Năm đó, Nam từng nói thế, khi lần đầu dẫn nhóm bạn đến. Mấy đứa đại học thường “bùng” tiết rồi lôi nhau đến đây, ngồi trải đời mình bằng những giọt cà phê và nghe nắng mưa, gió mây ngang qua thị thành này. Nam từ đâu đó của một vùng quê xứ Quảng gói ghém ước mơ tìm đến thị thành này. An cũng trôi theo dòng Cửu Long tìm đến đây cho cái khát vọng của mình. Nhà trọ cũng nằm trong xóm nghèo ven đô. Sáng theo xe buýt tao tác vào giảng đường. Chiều lại hối hả cho mấy việc làm thêm. Rồi canh chuyến muộn nhất đu xe về lại.
Vài tháng sau, vay mượn rồi xin thêm tiền nhà mua được chiếc xe gắn máy ráp ngoài chợ Tân Thành mà hì hục chạy. Xe ráp từ các phụ tùng, linh kiện nên chạy mà nơm nớp. Nhưng, mấy chiếc xe cà tàng lại dễ quăng quật bất cứ nơi nào mà chẳng sợ ai ăn cắp. Cầm tấm bằng đại học cũng là lúc căn nhà trọ nơi ven đô chia tay lần lượt từng đứa. Có thằng may mắn kiếm được chỗ ngon. Có thằng cày cực lực cho suất học bổng rồi nuôi chí lớn tận nửa vòng trái đất xa xôi. Cũng có đứa bấp bênh trôi dạt như muôn triệu lưu dân của đất này. Nam thì lại khác, cứ rong ruổi đời mình cho những chuyến phiêu du. Có hôm thấy Nam đem về phòng cái áo của dân chạy xe ôm công nghệ. Cũng có tháng lại mua một hộp đồ nghề đánh giày. Cũng có khi quần áo bảnh bao, nước hoa thơm ngất. Nam đi về vô chừng giữa lúc đám bạn miệt mài học. Phan bảo Nam là đứa tinh ranh chẳng chết giữa đất này đâu mà lo.
Phan cười hềnh hệch, mấy đứa đẹp trai lại thông minh thường luôn biết cách tồn tại. Mấy đứa không bon chen được thì cắm đầu vào học. Học xong lại kiếm một công việc ổn định. Vậy nên, Phan rời nhà trọ bằng suất học bổng thạc sĩ như mình mong muốn. Đôi ba lần Nam say khướt về quăng cho An cục tiền đóng học phí. Ngày tháng đó An còn nghèo, má chỉ lênh đênh trên chiếc ghe bẹo luồn vào các con rạch mà bán đồ cho những nhà xa chợ. Nên với An, để tồn tại ở đất này, là cả sự gắng gượng. An thiếu nợ Nam nhiều. Nhiều đến mức có lần An cộng sổ giật thót tim, con số lên đến chục triệu với một đứa nhà nghèo miếng đất cắm dùi còn không có. An sinh ra trên sông, lênh đênh theo con nước, chẳng biết cha mình là ai. Có lần người ta chặn ghe bẹo của má.
Người ta nói má làm điếm sông chứ bán buôn gì mấy cái đồ lặt vặt này. Điếm sông nên con không cha. Điếm sông nên mới lòng vòng ghe tận mấy con kinh, khúc rạch nhỏ. Năm đó An lên mười, chỉ thấy người ta hất hết đồ xuống sông, hai má con ôm nhau khóc. Lúc đó, khát vọng lên bờ thôi thúc An một cách kinh hồn.
*
* *
Nam ngồi đó, tóc húi cua, gương mặt chai sạn vì nắng gió. Hình như cũng chục năm rồi, hai đứa còn sót lại của nhóm bạn bám trụ thị thành này mới gặp nhau. An vẫn ở đây, hằng ngày, khác chăng là Nam, cứ thoảng đến thoảng đi, nhưng vẫn chưa rời bỏ thành phố. An biết, bởi Nam là đứa còn thuê căn nhà trọ cũ nằm ở ven đô. Dù đôi khi Nam đi đâu đó tận năm, ba tháng, nhưng vẫn chuyển khoản tiền nhà đều đặn.
Bà chủ nhà trọ hay điện thoại cho An thắc mắc. Trước khi cúp máy luôn thở dài thằng đó nó giàu hay nó điên? Mà điên thì đâu có biết kiếm tiền. Nó làm gì? Câu hỏi của bà chủ trọ cũng là câu hỏi của An, của cả đám bạn. Nam ngồi như tượng, mặc nhiên ngó giàn hoa phong sương biếc xanh đang lấm tấm giọt mưa trên tán lá. Góc nghiêng làm Nam có vẻ gầy hơn. An cũng chẳng biết sao mình lại đến. Chuyện của chục năm trước vẫn cứ khiến An thấy mình lợn cợn. Phan đã can ngăn khi hay tin An đòi làm ra lẽ. Tất cả không thể giấu mãi.
Phan đứng ngay giữa, ngăn cánh tay Nam vung lên. Nếu không có Phan ghì lại, lôi Nam ra ngoài. Đêm đó chắc chắn An đã mềm xương với Nam. Phan từng bảo đừng động vào những góc khuất của Nam. Nhưng An chẳng thể cầm những đồng tiền đó của Nam. An chưa bao giờ thấy đôi tay mình dơ như thế. Cả đời cũng chưa bao giờ muốn bán rẻ mình đến vậy. An đã xổ toạc tất cả những lời lẽ cay nghiệt đó. An dứt khoát dọn đi ngay. An mượn tiền Phan và chuyển trả lại Nam. Từ đó biệt tin nhau. Câu chuyện tưởng mới vừa hôm qua chạy xẹt ngang tâm trí An. Rốt cuộc sau bao nhiêu năm tháng quăng quật đời mình, Nam liệu có còn là đứa hễ mỗi khi có tiền nhất quyết mời đám bạn đi ăn mỳ Quảng. Tại sao không là phở, là cơm tấm, là hủ tiếu mà phải là mỳ Quảng. Trăm lần như vậy, Nam chỉ có mỳ Quảng.
Cũng chưa lần nào Nam chịu kể cho đám bạn nghe câu chuyện của mình. Cả những lúc trong cơn say, Nam vẫn khẽ khàng chui vào góc căn nhà để ngủ. Trong ký ức của An chỉ nhớ mang máng Nam đến từ một vùng núi nào đó của xứ Quảng. Chưa bao giờ nghe câu chuyện gia đình Nam. Chưa bao giờ thấy Nam về quê mỗi dịp lễ, Tết. Chỉ thấy Nam đi kiếm tiền. Tiền thật nhiều. Tiền nhiều người ta mới không khinh. Cơ hồ trong lòng những đứa bạn, Nam như thể mang sẵn trong lòng mình cơn khát tiền. Chính cơn khát đó đã khiến Nam bất chấp.
Phan cuối cùng cũng đến. Chiều chậm trôi trong sự ngỡ ngàng của An. Ba người bạn ngồi nhìn mưa bay thành vệt xéo ngang khoảng trời nhuộm xanh lá phong sương. Có lần An thấy giàn hoa có những chiếc lá hình thoi ngồ ngộ. Vân lá mọc như xương cá.
Giữa lá lại có chấm tròn ửng hồng thể như mắt người. Lão họa sĩ bảo đó là phong sương. Phong sương bốn mùa xanh lá, nhưng tận 60 năm mới có hoa. Ông chiết được cành phong sương từ một vùng núi của xứ Quảng đem về trồng trong vườn nhà. Đó là chuyến đi cuối cùng của ông về quê mình, chuyến đi để từ biệt một người đã từng là cả cuộc đời ông.
Ông chọn ở lại đất này cũng sau những cuộc rong ruổi đi tìm cảm hứng. Chẳng ai trói chân nổi một gã đam mê giao du. Dân vẽ vời thì làm sao ngồi một chỗ. Nhưng đàn bà thì có thời. Chuyện người ta chẳng đợi ông cũng như chuyện chẳng ai buộc nổi gió trời cả. Ông không biết loài hoa này tên gì. Ông gọi nó là phong sương, nắng cũng ưng mà mưa cũng chịu. Cứ xanh đến tận cùng rồi trổ một mùa hoa cuối, sau cùng rũ mình xơ xác về lại đất. Đời con người ta cũng vậy thôi! Lần đó, An đã hứa, phải sống và phải đến đây để nhìn thấy rõ hoa phong sương sẽ như thế nào, mặc cho ông già họa sĩ cười. Ai cũng chờ, nhưng đời người có những thứ hữu duyên mới thấy.
*
* *
Phan về nước cho dự án kinh tế xanh của thành phố. Những con sông đang thoi thóp bởi ô nhiễm. Những con người đang cuống cuồng để cứu sông. Chỉ có kinh tế xanh mới mong lấy sông bù vào những đô thị đã nuốt chửng thành phố bằng bê tông cốt thép. Phan bảo thử lòng An xem có chịu ngồi lại cùng Nam sau chục năm trời.
Ai rồi cũng phải khác. Ai rồi cũng phải lớn. Tự khắc lại thấy những khúc mắc ngày trẻ bỗng vỡ ra thành những bọt nước, như mưa rơi về trần, thấm đất cho lá biếc xanh. Còn gặp lại nhau giữa muôn triệu con người đó đã là niềm vui.
Vui đi, bởi ít ra cho đến bây giờ, nếu không phải vì dự án kinh tế xanh từ những dòng sông, Phan không biết Nam là cây bút phóng sự điều tra giỏi nhất của tờ báo lớn ở thành phố. Nam hóa thân vào các cuộc điều tra cho hàng loạt phóng sự nóng hổi. Nhưng Nam cũng phải giấu nhẹm bởi nhiều thế lực tìm kiếm Nam khi việc làm ăn của họ bị đụng chạm.
Ngày đó An quá nóng tính vì quy chụp Nam đi làm “trai bao” để có tiền cho An mượn. Chưa giải thích gì đã to tiếng và chẳng một ai nói lời nào từ đó. Con người ta cứ nắm níu cái tôi của mình để sống thì dù trời có lất phất mưa bay cũng sẽ trở thành bão tố.
Nam mồ côi sau một cơn lũ quét. Núi lở vùi cả cha mẹ. Có những lúc đói khát nhìn người ta ăn tô mỳ Quảng mà nuốt nước bọt. Nên với Nam, làm ra tiền phải tử tế và sống bằng tiền phải chính đáng. Chục năm rồi, Nam mới quay nhìn sang An. Nam máu làm báo từ nhỏ. Những năm tháng đại học đã tập tành viết báo. Trưởng ban nói Nam có khiếu làm phóng sự. Nam cũng thấy mình như cá gặp nước trong mảng đề tài này.
Cái nghề khiến Nam biết phải giấu biệt tung tích. Lúc đó mà nói thiệt, có khi tụi giang hồ nó tìm đến phòng trọ xử cả đám. Loạt bài về nạn mại dâm năm đó sau này được cả giải báo chí của thành phố. Vẫn ánh mắt cương nghị, vẫn cái giọng ồm ồm như xưa và cả cái cau mày khó chịu y hệt. Khác chăng, lần đầu tiên, sau chục năm trời Nam mới lại cốc nhẹ lên đầu An, lối giỡn quen thuộc mỗi lần Nam chọc ghẹo những đứa bạn chung phòng. Lâu lắm rồi, lòng An mới nhẹ nhõm như vậy. Nam lại khoát tay ra hiệu hai đứa bạn đứng lên. Đi đâu? Đi ăn mỳ Quảng chứ đi đâu. Trời vẫn lất phất mưa bay. Mùa thu vẫn gõ qua phố những giọt xanh ngời.