Thế rồi, Thành lại trở thành “ngôi sao truyền thông” khi xuất hiện ở tâm điểm của sự chú ý đó chính là việc đầu quân cho Nutifood vào năm 2007. Đây là một sự kiện bởi xét về mặt danh tiếng, thương hiệu thì Nutifood không thể nào so sánh được với Pepsi. Tuy nhiên, khi trả lời báo giới thì Thành nói đó chính là sự “tự hoàn thiện mình” với giấc mơ, chuyên nghiệp hóa các doanh nghiệp Việt Nam. Và ngay sau đó, Thành lại gây sự chú ý với giới truyền thông cũng như đầu tư khi đưa Nutifood hợp tác chiến lược với “ông lớn” Kinh Đô khi Kinh Đô sở hữu 30% cổ phần. Hơn thế, Nutifood còn nuôi tham vọng trở thành một “ông lớn” trong ngành thực phẩm, đồ uống dưới bàn tay của ông Thành.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, người ta lại thấy ông Thành là Tổng Giám đốc ICP với thương hiệu nổi tiếng X-men. Khi về ICP, Thành lại tiếp tục là tâm điểm khi là người đưa thương hiệu Orangina đến với ICP bằng hình thức nhượng quyền. Rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực marketing đánh giá đây là “bài cũ” của Thành ở PepsiCo và có lẽ nó sẽ tạo ra một bước đột phá cho ICP. Tiếp đó lại là một sự “phá cách” nữa khi người ta thấy ông Thành bắt tay với bà Lan Anh chủ thương hiệu Thuận Phát, vốn nổi tiếng trong lĩnh vực nước chấm trong ngành thực phẩm vào năm 2009. Trong cuộc chơi này nhiều người nghĩ rằng ICP với một Phan Quốc Công “chiến lược” tạo ra đại dương xanh cho X-men và Lê Trung Thành “giàu kinh nghiệm” sẽ biến ICP thành “Unilever Việt Nam”. Tuy nhiên, câu chuyện đó cũng chỉ là “bài tình ca” dang dở.
Ngày 04/01/2010, Lê Trung Thành đầu quân cho FPT, công ty của các “ông tiến sỹ toán” làm kinh doanh với chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách marketing và thương hiệu của FPT là Tổng Giám đốc FPT Trading, mảng kinh doanh quan trọng bật nhất tại FPT. Không ai biết chắc Thành sẽ làm điều gì mới mẻ tại FPT. Tuy nhiên, người ta nhận ra một thực tế rằng, với những người như ông Thành, quả thực, việc đến hay đi gây ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức. Và nguyên nhân của các sự việc này vẫn mãi chỉ là “ẩn số”.
Nói về câu chuyện này chính ông Phan Quốc Công, Chủ tịch ICP cũng khá kín kẽ “Thành ra đi vì kế hoạch công việc cá nhân”. Còn người đón Thành, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT thì kỳ vọng: “Trong chiến lược Go mass của FPT, việc xây dựng thương hiệu và mạng lưới phân phối được xác định là then chốt. Đây là hai sở trường của Thành. FPT kỳ vọng Thành sẽ cùng với anh em biến FTG thành một biểu tượng thành công về sản phẩm công nghệ, bằng ý tưởng mới về sản xuất/phân phối/làm thương hiệu và dịch vụ hậu mãi. FPT cũng hy vọng chính sách thương hiệu mới sẽ mang đến một bộ mặt khác cho FPT, bình dân, thân thiện hơn, nhưng vẫn giữ nguyên chất hài hước và sáng tạo. Hơn nữa, FPT tin rằng nếu Thành thành công, FPT sẽ có thể tụ tập được nhiều nhân tài hơn nữa, tạo điều kiện cho họ thỏa sức vẫy vùng.”
Câu chuyện cụ thể như thế nào vẫn là một bài toán chứa nhiều ẩn số và cần lời giải tương lai.
Trường hợp Ông Trần Bảo Minh, một “tên tuổi lớn” khác trong giới marketing Việt Nam cũng tốn khá nhiều giấy mực của báo giới. Ông Minh được biết đến nhiều khi đưa Vinamilk, một thương hiệu của Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế. Khi ông Minh là phó tổng giám đốc phụ trách tiếp thị, người ta thấy ở Vinamilk một “niềm tin Việt Nam”. Ở đó, ông Minh với sự hậu thuẫn lãnh đạo từ bà Mai Kiều Liên đã thực sự khuynh đảo thị trường sữa trong một giai đoạn khá dài. Không chỉ xử lý khủng hoảng thành công, ông còn giúp Vinamilk tăng doanh thu đáng kể. Rất nhiều chuyên gia đánh giá: sự thành công và dấu ấn mà Vinamilk để lại trong tâm trí khách hàng chính là dấn ấn của Trần Bảo Minh. Ít ai biết rằng, trước khi là một “ngôi sao” trong lĩnh vực quản trị, ông Minh đã từng ngồi ở vị trí marketing tại tổng hành dinh của PepsiCo, một vị trí mà cho đến nay hình như chưa có người Việt Nam nào đảm nhận được.
Tuy nhiên, sau một thời gian không lâu, câu chuyện đã kết thúc: ông Trần Bảo Minh đã chuyển sang làm Phó chủ tịch Vinamit vào năm 2009 với tâm nguyện: “Muốn tìm kiếm cơ hội và thể hiện khả năng cạnh tranh tốt hơn, lớn hơn cho thương hiệu nông sản Việt Nam” với kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng doanh thu gấp đôi so với hiện nay (khoảng gần 400 tỷ đồng doanh thu năm 2008) trong thời gian từ 12 đến 18 tháng. Chưa rõ thực hư câu chuyện thế nào nhưng trong một thời gian ngắn sau đó năm 2010, ông lại nói lời từ biệt để chuyển sang một công ty sữa ít tên tuổi hơn nhưng có vốn đầu tư khá lớn là TH Milk với vốn đầu tư đến 1,2 tỷ USD tại tỉnh Nghệ An. Và quả thực, đây sẽ là bài toán cho Vinamilk nói riêng và các công ty sữa nói chung vì kinh nghiệm của ông Minh trong ngành đồ uống và sữa.
Còn rất nhiều câu chuyện về những “khoảng lặng” của nhân sự. Chẳng hạn như một công ty nổi tiếng trong ngành sản xuất dụng cụ làm đẹp mời một chuyên gia từng giữ vị trí hoạch định chiến lược marketing của tập đoàn hàng đầu thế giới về năng lượng về làm tổng giám đốc. Với những lời lẽ rất tình cảm và sự chào đón nồng nhiệt người ta cứ ngỡ mối lương duyên ấy sẽ kéo dài. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm vị lãnh đạo kia phải rời vị trí vì lý do riêng.
Trong khi phỏng vấn cho chuyên đề này chúng tôi đã gặp được ông Đặng Đình Tuấn, Tổng Giám đốc Futaland là cựu Tổng Giám đốc Sacomreal. Khi hỏi về lý do chuyển đi khỏi Sacomreal, Tuấn chỉ nhẹ nhàng đó là “lý do cá nhân”. Nguyên nhân đến với Futaland, một công ty con của Phương Trang vốn nổi tiếng trong ngành vận tải theo Tuấn có hai lý do: thứ nhất, tầm nhìn của lãnh đạo; thứ hai, đó là cái tình của lãnh đạo.
Người ta có thể biện minh rất nhiều cho việc đi hay đến. Và điều này càng xảy ra gay gắt khi khủng hoảng ập đến. Những trường hợp nêu trên đều diễn ra trong các năm 2008, 2009 khi cuộc khủng hoảng xảy ra ngày càng trầm trọng.
Khi mất người, cả microsoft cũng trở nên tồi tệ
Khi trả lời phỏng vấn báo giới, người sáng lập ra Microsoft, tỷ phú Bill Gates nói: Khi bạn lấy đi của chúng tôi 20 người giỏi nhất, bạn sẽ thấy Microsoft trở nên tồi tệ như thế nào. Điều này có một đại ý rằng, câu chuyện nhân sự luôn là một trong những yếu tố quyết định thành bạn của doanh nghiệp.
Hôm 12/09 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường doanh nhân PACE phối hợp với các công ty tư vấn nhân sự trong và ngoài nước tổ chức hội thảo: TƯ DUY LẠI CHIẾN LƯỢC NHÂN SỰ THỜI HẬU KHỦNG HOẢNG thu hút khoảng 300 người tham dự. Trong đó, phần lớn là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các giám đốc nhân sự. Điều này cho thấy trong thời gian gần đây, vấn đề nhân sự là một trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp quan tâm.
Bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch Công ty Talentnet, một công ty uy tín trong lĩnh vực nhân sự tại Việt Nam, đối tác của Mecer, chia sẻ: “Theo khảo sát của chúng tôi, trong ba năm gần đây, vấn đề nhân sự đang là mối ưu tư hàng đầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam.” Và mối ưu tư đó theo chuyên gia này là: Nâng cao năng lực làm việc của nhân viên, nâng cao năng lực lãnh đạo của nhà quản trị và cuối cùng là sự phối hợp giữa các phòng ban với nhau trong công việc.
“Thông thường lãnh đạo của các công ty vừa và nhỏ thường hay quan tâm đến thị trường, doanh số, tài chính... mà ít để ý đến vấn đề nhân sự. Tuy nhiên, đây là một nguy cơ tiềm tàng bởi hầu hết những vấn đề đó đều được vận hành bởi con người.”, Ông Tom Yew Hoong, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Ernst & Young Việt Nam chia sẻ. Theo ông thì, nhận thức đúng về vấn đề nhân sự “không chỉ là vấn đề riêng của các chuyên viên, giám đốc nhân sự và là trách nhiệm chung của bất kì lãnh đạo doanh nghiệp nào”.
Ông Tăng Trị Trọng, Giám đốc Kinh doanh toàn quốc của Vietnamworks, một trong những công ty tư vấn nhân sự hàng đầu tại thị trường Việt Nam thì chia sẻ “Đối với lãnh đạo doanh nghiệp, việc làm cho nhân viên làm việc hết khả năng, tạo cho họ một môi trường làm việc dân chủ và có thể tự ra quyết định là nên một trong những ưu tiên của chiến lược nhân sự của mỗi công ty”.
“Nhân sự cần có một vị trí, một thế đứng riêng biệt và vững chắc trong chiến lược kinh doanh của tổ chức. Và khi có một chiến lược nhân sự đúng thì doanh nghiệp sẽ nhiều khả năng đạt được những mục tiêu đề ra”, bà Karen Davies, Tổng Giám đốc của XAGA Consultancy nói.
Tất nhiên, nhận thức về vai trò của nhân sự với sự phát triển của tổ chức có lẽ đã được các doanh nghiệp ý thức rõ ràng. Nhưng làm thế nào để giữ chân, thu hút nhân tài đến với mình thì không phải doanh nghiệp, nhà lãnh đạo nào cũng có lời giải cụ thể.
Đăng Bình - Lê Tân