Giữ được bản sắc văn hóa truyền thống

Sau hơn một tuần diễn ra sôi nổi tại Nhà hát Trưng Vương, thành phố Đà Nẵng, tối 15-1, Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010 đã bế mạc. Đến dự và trao giải có các đồng chí: Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL.

* Tọa đàm “Giáo sư Hoàng Châu Ký và Nghệ thuật tuồng Việt  Nam”

Sau hơn một tuần diễn ra sôi nổi tại Nhà hát Trưng Vương, thành phố Đà Nẵng, tối 15-1, Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010 đã bế mạc. Đến dự và trao giải có các đồng chí: Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL.


Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh trao HCV cho các nghệ sĩ, diễn viên xuất sắc.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh trao HCV cho các nghệ sĩ, diễn viên xuất sắc. 

Theo đánh giá của BTC, chất lượng nghệ thuật của 13 vở diễn tham gia hội diễn lần này là bức tranh toàn cảnh nhiều màu sắc, thể hiện thực trạng tuồng và dân ca kịch cả nước trong những năm qua. Trong đó khẳng định thành công của các đơn vị nghệ thuật về định hướng phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống, thể hiện sự kế thừa và phát huy truyền thống bền vững, đúng hướng. Qua hội diễn đã cho thấy sân khấu tuồng, dân ca kịch đã có nhiều cách tân cả về nội dung, phong cách biểu diễn, lời thoại và tiết tấu để tạo sự gần gũi, phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của nghệ thuật tuồng.

Kết thúc hội diễn, BTC trao HCV cho 2 vở diễn đặc sắc nhất: “Một cây làm chẳng nên non”, tác giả Nguyễn Đăng Chương, Đạo diễn NSND Xuân Huyền, do Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ  biểu diễn và vở “Hồn Việt”, tác giả NSND Lê Tiến Thọ, Đoàn Thanh Tâm, Đạo diễn NSƯT Hoàng Ngọc Dinh, do Nhà hát Tuồng Đào Tấn biểu diễn. Huy chương bạc được trao cho 3 vở tuồng và 1 vở dân ca: Chí sĩ Trần Cao Vân (Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế), Dời đô (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), Sóng dậy Lê triều (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa) và vở dân ca kịch “Thời con gái đã xa” (Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định).

Ngoài ra, BTC cũng đã trao 34 HCV và 32 HCB cho các diễn viên, nghệ sĩ xuất sắc tham gia hội diễn; 7 giải thưởng khác cho các tác giả, đạo diễn, thiết kế ánh sáng, thiết kế sân khấu, biên đạo múa và dàn nhạc xuất sắc nhất, và bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho hội diễn thành công tốt đẹp.

*Trong khuôn khổ Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 8 đến 15-1, sáng 15-1, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VH-TT và DL thành phố Đà Nẵng đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Giáo sư Hoàng Châu Ký và Nghệ thuật tuồng Việt Nam”. GS. Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm. Đến dự tọa đàm có đồng chí Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và gần 200 đại biểu là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, các Giáo sư, NSND, NSƯT trên cả nước.

Tại buổi tọa đàm, có 24 tham luận nêu rõ quá trình hoạt động cách mạng của GS Hoàng Châu Ký, từ một nhà hoạt động chính trị đến nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển nghệ thuật sân khấu tuồng. Giáo sư Hoàng Châu Ký đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống, với những công trình như Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng; Nghệ thuật biên kịch tuồng; Nghệ thuật biểu diễn tuồng; Nghệ thuật tuồng cung đình; Từ điển tuồng; Giá trị của vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến; Tuồng Quảng Nam...

Những công trình của Giáo sư đã phát hiện, khẳng định giá trị bản sắc dân tộc của tuồng, phản bác những quan điểm cho rằng tuồng chỉ là nghệ thuật phong kiến cung đình, và là bản sao của kịch nghệ Trung Hoa. Giáo sư Hoàng Châu Ký còn là một đạo diễn, viết và sưu tập, chỉnh lý hàng chục kịch bản tuồng cổ mẫu mực như Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn Hậu và ông còn là nhà sư phạm lớn về nghệ thuật sân khấu. Ông đã chủ trì tham gia soạn thảo nhiều chương trình, giáo trình và trực tiếp giảng dạy về nghệ thuật tuồng trong các trường đào tạo diễn viên sân khấu từ bậc trung học đến đại học, trên đại học. Ông là một trong số rất ít các chuyên gia đầu ngành được Nhà nước phong tặng hàm Giáo sư đợt đầu tiên.

Giáo sư Hoàng Châu Ký đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật.

Giáo sư Hoàng Châu Ký sinh ngày 16-5-1921, mất ngày 31-1-2008.

Tin và ảnh: VĂN NỞ

Đọc thêm