Giữ hồn thiêng đại ngàn giữa lòng Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong xã hội Ê đê truyền thống, ngôi nhà dài là nơi cư trú của một đại gia đình mẫu hệ. Gia đình càng đông thì nhà càng dài, xưa kia đã từng có những nhà dài trên dưới 200m. Đến những năm 70 của thế kỷ 20 vẫn thấy nhiều ngôi nhà dài 50-60m. Cùng với nhà rông Bana, nhà dài Ê đê lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên nơi đại ngàn, đòi hỏi sự bảo tồn và lưu giữ phù hợp.
Nhà truyền thống của người Ê đê trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh: Intetnet)
Nhà truyền thống của người Ê đê trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh: Intetnet)

Chuyện kể từ nhà dài

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) được coi là điểm hẹn văn hóa đặc sắc ở Hà Nội. Bảo tàng rộng 3,27ha, gồm nhiều công trình kiến trúc mới lạ và được ví như một bức tranh thu nhỏ về đồng bào 54 dân tộc tại Việt Nam với nhiều hiện vật được trưng bày như trang sức, y phục, vũ khí, tôn giáo, nhạc cụ, tín ngưỡng…

Một trong những khu thu hút du khách ở Bảo tàng DTHVN đó là khu trưng bày ngoài trời với 10 công trình kiến trúc dân gian Việt Nam bao gồm: khuôn viên nhà người Chăm, nhà người Việt, nhà rông Bana, nhà dài Ê đê, nhà mồ Giarai, nhà mồ Cơ tu, nhà sàn Tày, nhà nửa sàn nửa trệt người Dao, nhà trệt Mông, nhà trình tường của người Hà Nhì. Mỗi ngôi nhà đều có lai lịch và đời sống của riêng nó.

Ngôi nhà dài Ê đê được dựng lại tại Bảo tàng DTHVN năm 2000 trên cơ sở nhà của gia đình bà H’Đách Êban (người Ê đê Kpạ) làm năm 1967 ở buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngôi nhà dài 42,5m, sàn cao 1,1m và rộng 6m. Tại Bảo tàng, ngôi nhà vẫn giữ được hướng bắc - nam theo tập quán cổ truyền Ê đê. Đầu nhà quay về phía bắc, có cửa chính và là cửa đón khách, thông ra sàn rộng, còn đầu hồi phía nam, cuối nhà, dành cho sinh hoạt gia đình.

Đây là nhà của gia đình giàu sang và thế lực, nên có các cột và xà cỡ lớn, với nhiều mô-típ điêu khắc trang trí cầu kỳ; cầu thang ở đầu nhà trước đây to và đẹp, người nhà mô tả rộng tới hơn 1m, được tạc từ một khối độc mộc. Trong xã hội Ê đê truyền thống, ngôi nhà dài là nơi cư trú của một đại gia đình mẫu hệ; gia đình càng đông thì nhà càng dài, xưa kia đã từng có những nhà dài trên dưới 200m. Đến những năm 70 của thế kỷ 20 vẫn thấy nhiều ngôi nhà dài 50-60m.

Từ khi được xây dựng đến nay, công trình này luôn là hình ảnh hấp dẫn du khách khi đến tham quan Bảo tàng, không chỉ vì đây là kiến trúc xây dựng độc đáo của dân tộc Ê đê, mà còn bởi công trình này được các chủ thể văn hóa ở buôn Ky trực tiếp xây dựng, tu sửa nhiều lần.

Được biết khi bắt tay vào phục dựng nhà dài Ê đê tại Bảo tàng DTHVN, dù đã có khuôn mẫu là nhà của gia đình bà H’Đách Êban ở buôn Ky, nhưng không vì thế mà các chuyên gia văn hóa không lao tâm khổ tứ. Với vị trí tiên phong trong việc xây dựng khu trưng bày ngoài trời các công trình kiến trúc dân gian của các dân tộc ở Việt Nam, theo TS. Lưu Hùng, nhà nghiên cứu, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng DTHVN đây là cả một quá trình đầy khó khăn đối với Bảo tàng.

Trong quá trình đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn kiên định 4 quan điểm cơ bản: tôn trọng các chủ thể văn hóa, khai thác, phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa; mỗi ngôi nhà được trưng bày tại Bảo tàng, không phải ngôi nhà chung mà là ngôi nhà cụ thể, có lịch sử, có chủ nhân, có địa điểm rõ ràng; mỗi công trình được lựa chọn đưa về trưng bày đều được thực hiện bằng chính người địa phương nơi có công trình đó, theo phương pháp, kinh nghiệm, kỹ năng, tập quán của chính họ; không chỉ giới thiệu vỏ kiến trúc, ngôi nhà về mặt vật chất mà hướng tới giới thiệu tổng thể cả phần phi vật thể, cuộc sống, sinh hoạt gắn với từng ngôi nhà.

Còn theo PGS.TS. Phạm Văn Lợi - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, do sự biến đổi về kinh tế, xã hội, hiện nay không gian sống của người Ê đê đã có nhiều biến đổi như: sự biến đổi về loại hình từ nhà sàn dài xuống nhà sàn ngắn; sự biến đổi từ nhà sàn xuống nhà đất; sự biến đổi về nguyên vật liệu hay vật dụng sinh hoạt trong gia đình; sự biến đổi về không gian bên trong ngôi nhà…

Do đó, việc nghiên cứu, đo vẽ, phục dựng và sửa chữa những chi tiết của ngôi nhà dài truyền thống tại Bảo tàng cũng khá khó khăn, thách thức, đặc biệt là khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu xây dựng. Nhưng dù vậy, Bảo tàng DTHVN vẫn kiên định với các quan niệm bảo tồn, phục dựng các ngôi nhà truyền thống với quan điểm đề cao vai trò chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa tại Bảo tàng.

Từ quan điểm này, ngay từ khi bắt tay vào phục dựng đầu năm 2000 cũng như trải qua 3 lần tu sửa vào các năm 2009, 2019 và mới đây nhất là tháng 3/2023, Bảo tàng DTHVN vẫn quyết định mời các thế hệ những người thợ từ buôn Ky trực tiếp thực hiện với mong muốn thông qua việc những người thợ trực tiếp tu sửa sẽ trao truyền các tri thức dân gian từ thế hệ già sang thế hệ trẻ. Đây cũng là điểm độc đáo làm nên giá trị văn hóa độc đáo của công trình nhà dài ngay giữa lòng Thủ đô.

Về phần mình những thợ Ê đê dù đường đi xa xôi, mất 2 ngày 1 đêm mới tới nơi, rất vất vả. Nhưng hễ có lời mời từ Bảo tàng là họ sẵn sàng gác công việc lên đường bởi được đóng góp vào tu sửa nhà dài để lan tỏa văn hóa người Ê đê đến du khách tham quan mọi miền là một tự hào. Trong nhóm thợ người Ê đê gắn bó với Bảo tàng DTHVN có người đã ra Hà Nội đến lần thứ ba vì ngôi nhà dài nơi đây.

Công đoạn lợp mái cỏ tranh của những người thợ Ê đê. (Ảnh: BTDTHVN)

Công đoạn lợp mái cỏ tranh của những người thợ Ê đê. (Ảnh: BTDTHVN)

Nhóm 13 thợ tham gia sửa nhà dài Êđê. (Ảnh BTDTHVN)

Nhóm 13 thợ tham gia sửa nhà dài Êđê. (Ảnh BTDTHVN)

Bảo tồn kiến trúc dân tộc cũng là lưu giữ sự trường tồn của văn hóa

Nền văn hóa của một dân tộc, một quốc gia được xâu chuỗi bằng lịch sử văn hóa. Lịch sử văn hóa lại được minh chứng thông qua di tích, lễ hội, phong tục, kiến trúc… và việc bảo tồn các kiến trúc đại diện cho văn hóa dân tộc cũng không nằm ngoài nhận thức này.

Trong lần sửa chữa thứ ba vào tháng 3/2023, ông Y Yôc Hmok, Trưởng đoàn, là một trong những người thợ trực tiếp xây dựng và có mặt trong tất cả những lần tu sửa nhà dài, cho biết: “Thường thì mái nhà lợp được 7 đến 8 năm là đã phải thay rồi. Ở buôn Ky, ngày xưa nhà nào cũng đun bếp lửa hằng ngày, có nhà có đến 5 hoặc 6 bếp, vì mỗi gian là một gia đình nhỏ và một bếp, khói hằng ngày giúp bảo vệ mái nhà tốt và bền hơn. Ngoài Hà Nội thì có bốn mùa mưa nắng lại không có khói bếp hằng ngày, nên mái nhà sẽ nhanh hỏng hơn”.

Cũng theo ông Y Yôč Hmok đây là lần xuống cấp nhất của nhà dài. Sàn nhà, các trụ gỗ đã bị mọt ăn nhiều, đặc biệt phần mái nhà đã bị hư hỏng, dột nhiều, phải phủ bạt để bảo vệ. Với người dân Ê đê, phần mái được ví là “linh hồn” của nhà dài, giúp bảo vệ mưa, nắng cho cả ngôi nhà. Chính vì thế, ngay từ khi bước chân đến Bảo tàng, cả đội thợ đã bắt tay vào sửa phần mái nhà, với những công đoạn đầu tiên là làm sạch, phơi khô cỏ tranh, chuẩn bị dây buộc kèo, rui mè. Từng công đoạn tưởng rất đơn giản, nhưng kỳ thực lại rất kỳ công, đòi hỏi người thợ phải trau chuốt, cẩn thận và hết sức tỉ mỉ.

Được biết trong nhóm thợ đã tham gia dựng nhà dài ở đây, rất tiếc nhiều người nay đã không còn, nhiều người do tuổi cao cũng đành tiếc nuối vì không thể tham gia lần sửa chữa thứ ba này. Còn lại, mọi người kể cả đang có công việc riêng cũng đều tự nguyện xin đăng ký tham gia. Bởi nói như Trưởng đoàn Y Yôč Hmok, không chỉ ông mà cả buôn làng Ky đều rất ủng hộ với cách làm của Bảo tàng.

Như đã nói trên, quan điểm của Bảo tàng DTHVN là mỗi ngôi nhà được trưng bày tại Bảo tàng, không phải ngôi nhà chung mà là ngôi nhà cụ thể, có lịch sử, có chủ nhân, có địa điểm rõ ràng; mỗi công trình được lựa chọn đưa về trưng bày đều được thực hiện bằng chính người địa phương nơi có công trình đó, theo phương pháp, kinh nghiệm, kỹ năng, tập quán của chính họ. Vì thế, không chỉ là những người thợ, mà khâu chọn lựa nguyên vật liệu để xây dựng, sửa chữa cũng không hề đơn giản.

Được biết, phần mái nhà dài, cũng lợp cỏ tranh khô, nhưng người Ê đê không đánh thành từng tấm phên như ở nhiều dân tộc khác mà lợp từng cụm một, đầu gốc bẻ quặp xuống và được kẹp chặt bởi 2 thanh lồ ô phía trên. Để cỏ tranh không bị gãy khi bẻ thì những người thợ ngâm gốc cỏ tranh vào trong nước từ 3 đến 5 phút trước khi mang lên lợp mái. “Trong các công đoạn thì sửa mái mất nhiều thời gian và khó nhất. Cỏ tranh phải làm sạch sẽ và cắt bớt, ngâm gốc mất nhiều thời gian lắm. Bây giờ nhà ở buôn làm mái tôn hết rồi, kiếm gỗ và cỏ tranh khó lắm.…” - ông Y Ku Buôn Yă một người thợ trong nhóm cho biết.

Khó khăn lớn nhất mà những người thực hiện dự án sửa nhà dài Ê đê gặp phải khi tiến hành sửa chữa là thiếu nguyên vật liệu. Những loại gỗ chính để làm nhà ở Tây Nguyên hiện nay không còn, phải mua gỗ khác thay thế. Mái nhà bằng cỏ tranh, riêng phần lợp mái của nhà dài ở Bảo tàng tốn khoảng 20 tấn, nhưng hiện tại cỏ tranh ngay cả ở Tây Nguyên cũng rất khó kiếm, không đủ để lợp nhà. Được biết rất may sau đó những người thực hiện đã tìm được những vùng cỏ tranh ở Sơn La, giáp biên giới Việt - Lào. Nhóm dự án đã phải đặt từng hộ gia đình ở đó đi kiếm cỏ tranh và cũng phải mất một thời gian dài mới có đủ để thay toàn bộ mái ngôi nhà...

Ông A Đinh, trưởng nhóm thợ cho biết trong số 13 người thợ Tây Nguyên ra Hà Nội sửa ngôi nhà lần này, có cả con, cháu, em của những thợ lành nghề cao tuổi. “Chúng tôi muốn con, cháu chúng tôi biết được cách cha ông mình làm ngôi nhà như thế nào. Khi tự tay làm, chúng mới hiểu và yêu ngôi nhà truyền thống của mình hơn”, theo ông A Đinh, “Tiêu chí của chúng tôi là vừa chọn thợ có tay nghề và kinh nghiệm dày dặn, nhưng cũng ưu tiên chọn cả những người đại diện cho thế hệ trẻ để học cách làm của người có kinh nghiệm. Tre già măng mọc mà, sau này chúng tôi già yếu, lớp trẻ sẽ tiếp tục nối theo sau, tu sửa phục dựng để kiến trúc này còn mãi”. Y Blen Buôn Yă sinh năm 1985 là người thợ trẻ tuổi nhất cho biết: “Tôi tham gia để học hỏi cách sửa sang nhà dài, sau này nối tiếp công việc của thế hệ đi trước, để hình ảnh nhà dài sẽ mãi tồn tại và lan tỏa”.

Đọc thêm