Giữ lấy nếp nhà qua những thước phim

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nếp nhà Việt là nét đẹp trong tâm hồn người Việt. Giữ lấy nếp nhà, là gìn giữ cái đẹp và tình yêu thương cho muôn đời sau, cũng là trách nhiệm của mỗi người, trong đó có người làm nghệ thuật.
Một cảnh gia đình trong phim “Cây táo nở hoa”.
Một cảnh gia đình trong phim “Cây táo nở hoa”.

Con dâu hì hụi nấu phở cho mẹ chồng ăn, mẹ chồng lạnh lùng bảo con trai ra ngoài quán ăn mua phở về và hai mẹ con ngồi ăn với nhau, bỏ mặc con dâu buồn tủi. Mẹ chồng giám sát, bắt lỗi, chì chiết con dâu từng li từng tí một, trong khi người chồng thờ ơ, phó mặc mọi việc trong gia đình để mẹ và vợ “tự giải quyết”. Mẹ ruột thiên vị, thương một đứa con, chửi mắng đánh đập đứa còn lại. Người mẹ khác, thích sống sang chảnh, tận hưởng, chưa một lần nấu một bữa cơm ngon cho chồng con. Một bà mẹ nữa thì có thói đam mê cờ bạc, hận đời, xem gia đình là “ATM” rút tiền để thỏa mãn thú vui. Người cha vô trách nhiệm, bỏ vợ con chạy theo những thú vui lệch lạc của bản thân, xem gia đình là nơi trút những tức giận, bực dọc của bản thân, chưa bao giờ nói với con được một lời tử tế. Để rồi, từ những gia đình ấy, hình thành những đứa con bất hạnh, mệt mỏi, hận đời, thậm chí sa chân vào tệ nạn, giang hồ, mất đi niềm tin vào con người, vào giá trị gia đình...

Đó là vài trong hàng trăm những cảnh gây bức xúc trên các phim về đề tài gia đình đang được công chiếu thời gian qua. Khán giả xem phim bức xúc và hỏi nhau rằng, chẳng lẽ gia đình Việt giờ đây chỉ toàn những lời cay đắng ném vào mặt nhau, những dằn vặt, lỗi lầm, cư xử tệ bạc với nhau như vậy sao. Gia đình Việt giờ đây chỉ còn tồn tại những tiêu cực, mệt mỏi, rạn nứt sao? Hay là, các nhà làm phim chỉ chăm chăm quan tâm khai thác những khía cạnh drama để câu khách, vô hình trung khiến khán giả có cái nhìn méo mó về thực trạng gia đình hôm nay, chỉ còn thấy chung quanh là tiêu cực và đau đớn mà các thành viên trong gia đình gây ra cho nhau? Nếu điện ảnh chỉ khai thác những đề tài như thế, thì rating có thể đạt được, bài toán danh tiếng và danh thu có thể đạt được, nhưng trách nhiệm với xã hội có lẽ đã bị “buông rơi”.

Năm 2010, nhân dịp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, hãng phim VCF đã công chiếu bộ phim “Nếp nhà”, một bộ phim đẹp khai thác những chi tiết trong không gian của một gia đình Việt truyền thống. Thời điểm ấy, phim nhận được yêu thích của đông đảo khán giả, bởi nó đầy chân thực mà cũng đầy tình người. Phim có tuyến nhân vật phong phú, vẫn có những tình huống kịch tính, nêu lên một số tồn tại chưa hay trong gia đình, nhưng vẫn khiến người xem xúc động, ấm lòng vì vẻ đẹp mà nó lan tỏa. Đó là vẻ đẹp của tình yêu thương, vẻ đẹp của nếp nhà truyền thống Việt.

Nếp nhà là cạnh những êm ấm, vui vẻ vẫn tồn tại những nỗi đau, những bất hạnh, rắc rối, bi kịch của mỗi thành viên, nhưng mọi thành viên trong gia đình ấy vẫn giữ cho mình thiên lương tốt đẹp, vẫn giữ tròn đạo làm người, làm con, làm mẹ, làm cha. Họ biết độ lượng, biết thứ tha cho nhau, thủy chung và nâng đỡ nhau. Chính nhờ nếp nhà mà họ đã vượt qua được sóng gió cuộc đời, không đánh mất bản thân, không gây sự đổ vỡ, không bị tha hóa biến chất và hội nhập được với cuộc sống hiện đại, để tỏa sáng và tìm được hạnh phúc cá nhân cũng như cho gia đình mình, đồng thời góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại của cộng đồng.

Khán giả còn nhớ không ít những bộ phim Việt xưa, như: Người Hà Nội, Sóng ở đáy sông, Miền đất Phúc, Mùi ngò gai... Trong những bộ phim ấy, dẫu không có những tình tiết drama căng thẳng, không có sự xuất hiện méo mó của những nhân vật phản diện, gây ức chế, nhưng vẫn khiến bao khán giả truyền hình say mê. Bởi, phim hướng về những giá trị đẹp đẽ mà đầy chân thực của gia đình Việt. Trong những bộ phim ấy, mỗi con người đều có ưu và khuyết, nhưng nổi bật lên trong họ là tình thương, là nghị lực vươn lên, là sự nỗ lực gìn giữ những điều tốt đẹp của gia đình, của đời sống. Họ dù là người Việt sống ở nước Việt hay mưu sinh nơi đất khách, ở miền Bắc, hay Trung, Nam, vẫn giữ trong mình thiện lương và tình yêu thương. Nếp nhà trong những bộ phim Việt xưa cũ hiện lên chân thành mà sống động, khơi gợi trong lòng người xem những cảm xúc tích cực, hướng thiện, có giá trị nâng đỡ tinh thần...

Những năm gần đây, truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc, dẫu một mặt vẫn đeo đuổi những đề tài ăn khách như tình yêu, thù hận, hành động đầy kịch tính nhưng không hề “bỏ quên” mảng đề tài gia đình. Gia đình là số 1; Người duy nhất bên em; Chào mẹ, tạm biệt; Lời hồi đáp 1988; Điều ba mẹ không kể; Ngày mẹ không còn... là vài trong số hàng chục, hàng trăm bộ phim truyền hình Hàn Quốc về gia đình đã lấy biết bao nước mắt thổn thức của khán giả khắp thế giới. Truyền hình Trung Quốc cũng không kém cạnh với hàng loạt dự án phim gia đình danh tiếng như Vòng quay hạnh phúc; Những đứa con nhà họ Kiều; Gia đình thân yêu; Chị tôi; Tặng bạn một đóa hoa nhỏ màu đỏ... Nếu như truyền hình Hàn Quốc hướng đến những câu chuyện cảm động, giản dị về “người nhà”, thì điện ảnh Trung Quốc, tham vọng hơn, muốn thông qua những tình tiết trong phim để truyền thông, tác động nhận thức khán giả, vun đắp những giá trị gia đình truyền thống đang có nguy cơ bị lãng quên.

Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, điện ảnh Việt vẫn có những phim hay, giá trị về gia đình như: Cây táo nở hoa, Về nhà đi con, Nắng... Nhưng, con số khá là ít ỏi so với tỉ lệ phim Việt nói chung, đồng thời cũng tồn tại quá nhiều phim gia đình mang quá nhiều yếu tố kịch tính, hài nhảm, câu khách, không mang nhiều giá trị tinh thần tốt đẹp cho người xem.

Nếp nhà là điều đẹp đẽ đã song hành cùng đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt hàng ngàn năm. Như biết bao giá trị khác, nếp nhà cũng cần được gìn giữ, được phát huy qua bao thế hệ. Người làm điện ảnh là người góp phần xây đắp các giá trị tinh thần Việt thông qua nghệ thuật thứ 7, cần tự đặt ra cho mình sứ mệnh gìn giữ và phát huy nếp nhà Việt, thông qua những thước phim chân thực, đẹp đẽ và nhân văn. Mỗi một người chung tay gìn giữ, thì nếp nhà Việt mới trường tồn theo thời gian...

Đọc thêm