Giữ linh hồn Thăng Long

Họ đã bước qua tuổi 60. Có thể là cụ từ giữ các đền thiêng ở Hà Nội hay Bắc Ninh, hay là một ông lão râu tóc bạc phơ ngồi giữa Hà thành thổi ống tiêu. Chính họ, bằng những trải nghiệm, những câu chuyện, lòng say mê... đã lặng lẽ giữ lấy linh hồn của Thăng Long qua năm tháng.

Họ đã bước qua tuổi 60. Có thể là cụ từ giữ các đền thiêng ở Hà Nội hay Bắc Ninh, hay là một ông lão râu tóc bạc phơ ngồi giữa Hà thành thổi ống tiêu. Chính họ, bằng những trải nghiệm, những câu chuyện, lòng say mê... đã lặng lẽ giữ lấy linh hồn của Thăng Long qua năm tháng.

Son sắt với Đền Đô

Cụ từ Nguyễn Đức Thìn trước sân Rồng Đền Đô.

Cụ từ Nguyễn Đức Thìn trước sân Rồng Đền Đô. 

Ai đã về Đền Đô (Bắc Ninh), nơi thờ 8 vị vua nhà Lý đã khai mở và làm rạng danh Thăng Long, sẽ không thể nào quên cụ từ Nguyễn Đức Thìn. 70 tuổi, mang trong mình di chứng của bệnh phong với bàn tay teo tóp, nhưng từ sáng đến chiều, cụ ra vào liên tục để hướng dẫn, giới thiệu về Đền Đô cho hàng hàng đoàn khách nườm nượp đến. Từ năm 1984, cụ đã đi khắp nơi để sưu tầm, tìm kiếm những tranh ảnh, tài liệu của một Đền Đô đã bị giặc Pháp tàn phá năm 1952. Sau 5 năm miệt mài, năm 1989, trong dịp kỷ niệm 980 năm Lý Công Uẩn khởi lập triều Lý, cụ triển lãm tất cả những gì mình có, và kêu gọi mọi  người chung tay xây cất lại một Đền Đô vững chãi, linh thiêng rộng trên 31 hecta như hôm nay.

Như một cơ duyên trời định, cụ đã hai lần may mắn chiêm ngưỡng và chụp được khoảnh khắc mây vần tụ trên bầu trời Đền Đô theo hình dạng Rồng bay vào những thời khắc thiêng liêng. Lần đầu tiên là 8 giờ sáng ngày 5-7 Mậu Dần (26-8-1998). Và sau đó không lâu, 4 giờ 45 phút sáng ngày 1-9-1998; khi dân làng rước linh bài của Lý Thái Tổ và Chiếu dời đô từ Đền Đô ra dự “Ngày hội non sông, hướng tới 1.000 năm Thăng Long” ở Hà Nội.

Những người trẻ như chúng tôi, khi đứng trước cụ, biết được công đóng góp của cụ cho Đền Đô bỗng thấy mình quá nhỏ bé. Nhưng cảm nhận niềm say mê và ý thức khôi phục, phát huy hào khí Thăng Long, hào khí Đại Việt, tất cả những du khách Việt đến đây bỗng như được truyền lửa, lửa của lòng yêu kính Tổ quốc và hướng về nguồn cội như một lẽ tất nhiên.

Khi chỉ dạy những bạn trẻ làm hướng dẫn viên cho Đền Đô trong tương lai, cụ luôn nhấn mạnh 3 điều: Tâm-Tầm-Trí. Bởi cụ bảo: “Tâm sáng thì tấm lòng chân thành. Có Tầm để nhìn xa trông rộng. Có Trí để hiểu sâu xa lịch sử”. Còn nghệ thuật truyền cảm ở con người này, chính là sự bình dị mà sôi sục hùng khí Thăng Long và tinh thần dân tộc.

Như một tiên ông hiện giữa đời

Cụ già (bên phải) thong dong thổi ống tiêu bên Hồ Gươm đẹp như tiên ông.

Cụ già (bên phải) thong dong thổi ống tiêu bên Hồ Gươm đẹp như tiên ông. 

Trong một lần lang thang Hồ Gươm, tôi bắt gặp hình ảnh cụ già dáng người đạo mạo, râu tóc bạc phơ nhàn tản thổi ống tiêu. “Độc” ở chỗ, ống tiêu của cụ không giống như các ống tiêu thông thường, mà dài tới gần 1m, đường kính ống thổi khoảng 5cm. Ông tự hào nói rằng: “Đại Việt ta ngày xưa to lớn lắm! Loại tiêu này là nhạc cụ của Đại Việt xưa, truyền từ đời ông cố, ông tổ tôi”. Những bài “Ai về sông Tương”, “Hòn Vọng Phu” trong tiếng tiêu trầm ấm mà vang vọng làm ngơ ngẩn những người đang thả hồn theo sóng nước Hồ Gươm.

Trong dáng hình điềm đạm, thong dong; gương mặt hiền từ, sáng trong; chất giọng Hà Nội xưa đầy vẻ hòa mục, từ tốn, ông cụ như một tiên ông một hôm rảnh rỗi xuống trần, bình thản thổi tiêu dưới hàng liễu rũ. Cụ bảo, mỗi ngày, cụ chọn một nơi trong Hà Nội phố để ngồi thổi tiêu. Và cuộc gặp gỡ giữa tôi và cụ, theo cụ, là một cơ duyên, vì thỉnh thoảng cụ mới ra Hồ Gươm.

Ông cụ ngồi đó, gửi gắm tấm lòng với non sông, lắng nghe từng bước chậm của thời gian trôi qua, như đang từng ngày níu giữ vẻ đẹp hoài cổ của một Hà Nội xưa yên lành giữa một Hà Nội nay đầy náo động và ồn ào.

Giữ đền thiêng

Hầu hết những cụ từ giữ các đền thiêng ở đất Hà thành đều là người cao tuổi. Nét thời gian in hằn trên gương mặt các cụ làm cho các chốn đền chùa thêm màu cổ kính. Mà không chỉ là người giữ đền, họ còn là người lưu giữ và truyền tụng những câu chuyện, những huyền thoại về hào khí Thăng Long.

Gần 80 tuổi, cụ từ Nguyễn Văn Sâm của đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, vị Thành hoàng của Thăng Long, lúc nào cũng nhiệt tình đưa khách xem từng ngóc ngách của ngôi đền, giải thích cặn kẽ ý nghĩa của từng bức tượng hay biểu tượng rồng, nghê trong cấu trúc đền. Ông nói: “Chúng tôi từng ngày gìn giữ di tích này toàn vẹn, để các thế hệ mai sau hiểu rõ về lịch sử và vị Thành hoàng này. Bởi nếu không có Ngài, sẽ không có Thăng Long và không có cả nước Việt”.

Cùng tâm niệm như cụ Sâm, ông Nguyễn Văn Hải ở đền Quan Thánh thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phía Bắc kinh thành kỳ vọng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long sẽ là dịp để những người con nước Việt cùng hội tụ về đất kinh đô, chiêm ngưỡng các di tích cổ xưa, để thấy được họ - những bậc cao niên đã gìn giữ các công trình văn hóa – tâm linh, giữ vẻ đẹp và hồn phách của Thăng Long-Hà Nội cho mai sau như thế nào.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

Đọc thêm