“Giữ lửa” trong triển khai nghị quyết của Đảng

Trên tinh thần nghị quyết của Đảng, các cấp, ngành, đoàn thể  cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch, phong trào thi đua yêu nước. Xây dựng được kế hoạch, triển khai thành phong trào đã khó, nhưng làm thế nào để phong trào luôn phát triển là vấn đề không hề đơn giản.

Trên tinh thần nghị quyết của Đảng, các cấp, ngành, đoàn thể  cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch, phong trào thi đua yêu nước. Xây dựng được kế hoạch, triển khai thành phong trào đã khó, nhưng làm thế nào để phong trào luôn phát triển là vấn đề không hề đơn giản.

Giữ vững phong trào không dễ
Mô hình “vận động nhân dân tự nguyện tháo dỡ công trình, hiến đất, trả đất để mở rộng đường, ngõ phố, chỉnh trang đô thị” ở phường Trại Chuối (quận Hồng Bàng) luôn được nhắc tới trong những năm gần đây, thể hiện rõ những ưu điểm trong xây dựng nghị quyết và tổ chức triển khai nghị quyết. Để xây dựng được phong trào, cấp ủy Đảng, chính quyền phường Trại Chuối vào cuộc quyết liệt, tranh thủ sự tạo điều kiện của cấp trên, sự ủng hộ tích cực của nhân dân và quyết tâm chính trị rất rõ. Hiệu quả từ mô hình này được khẳng định trong thực tế, góp phần quan trọng tạo chuyển biến rõ nét trong chỉnh trang đô thị trên địa bàn phường. Vì vậy, mô hình “Vận động nhân dân tự nguyện tháo dỡ công trình, hiến đất, trả đất để mở rộng đường, ngõ phố, chỉnh trang đô thị” của phường Trại Chuối đã trở thành điển hình dân vận khéo của thành phố, có sức lan tỏa rất lớn đối với các phường khác của  quận Hồng Bàng và các địa phương trên địa bàn thành phố. Mô hình càng thêm sức lan tỏa, khi những năm gần đây, việc thực hiện gắn kết với triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Mô hình vận động người dân tự nguyện hiến đất, trả đất mở rộng đường, ngõ cần tiếp tục được nhân rộng tại các địa bàn dân cư.

Trong ảnh: Ngõ 37 đường Trực Cát (phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) được mở rộng từ việc tự nguyện hiến đất của các hộ dân.               Ảnh: Phương Linh

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhân dân phường Trại Chuối, sau một thời gian phong trào phát triển mạnh, thì gần đây, việc tổ chức, triển khai phong trào có dấu hiệu “chững lại”. Khí thế cuộc vận động không còn “hừng hực” như trước, cho dù nhu cầu về việc mở rộng đường ngõ, chỉnh trang đô thị trên địa bàn vẫn đang là vấn đề bức xúc trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị. “Đốt lửa” cho phong trào không dễ, nhưng “giữ lửa” cho phong trào còn khó hơn nhiều.

Phải “đốt lửa” cho những điển hình

Khi nói về các điển hình trong triển khai nghị quyết các cấp về thực hiện đời sống mới, nhất là giảm bỏ các hủ tục trong việc hiếu, thì Làng văn hóa Trâm Khê, xã Đại Thắng (Tiên Lãng) xếp hàng đầu. Trước đây, việc tổ chức tang lễ theo kiểu hình thức phô trương, lãng phí, gây tốn kém trong nhân dân diễn ra rất phổ biến. Khi có người thân qua đời, giữa bao bộn bề công việc của nhà hiếu, mà tang chủ cứ phải chăm chăm vào việc lo lập danh sách mời ai, làm bao nhiêu mâm, làm những món gì. Riêng khoản lo trang trí và dẫn chương trình mỗi đám cũng rất tốn kém. Khi đưa người thân ra đồng chưa kịp yên mồ, tang chủ lại phải vội vàng chạy về trước để đón mời khách, không lại bị mang tiếng là thiếu chu đáo. Gia đình nhà hiếu vất vả, tốn kém như vậy, mà bà con trong xóm ngoài làng cũng long đong, lật đật không kém, có người phải chạy vạy vay lãi để lo tiền đi đám...

Từ việc nắm bắt tâm nguyện của người dân, Ban lãnh đạo làng bàn bạc rồi mạnh dạn đề xuất chủ trương xây dựng mô hình thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc tang được Chi bộ, rồi Đảng uỷ, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Thắng ủng hộ. Ngày 9-2-2009, Ban lãnh đạo làng Trâm Khê tổ chức hội nghị thảo luận, thông qua Nghị quyết "Thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức tang lễ" theo Chỉ thị 15 của Thành uỷ, với sự tham gia của đại diện cho 330/450 gia đình và đông đảo con em người làng Trâm Khê xa quê. Nghị quyết của làng nhanh chóng đi vào cuộc sống. Ngày nay, mỗi khi có người qua đời, mọi người trong làng đều đến động viên, chia buồn, an ủi tang chủ và bày tỏ tấm lòng thương tiếc với người quá cố. Chương trình tổ chức, phục vụ tang lễ ở làng Trâm Khê được quy định một cách thống nhất, chặt chẽ. Ban tang lễ có nhiệm vụ cùng gia đình nhà hiếu trang trí bàn thờ tang lễ, điều hành chương trình buổi lễ, giới thiệu lễ viếng, bố trí tiếp đón khách viếng thăm.

 Cách triển khai nghị quyết của Đảng của cán bộ, nhân dân Làng văn hóa Trâm Khê rất đáng được nhân rộng. Thực tế, mô hình này đã được nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tiên Lãng học tập, một số địa phương ngoài thành phố như Thái Bình, Nam Định...đến tham quan, học hỏi. Tuy nhiên, điều đáng nói là với một điển hình đầy sức thuyết phục như Trâm Khê, nhưng sức lan tỏa trên toàn thành phố vẫn hạn chế. Tình trạng phô trương, lãng phí trong việc tang vẫn phổ biến trong đời sống hằng ngày. Vậy làm thế nào để điển hình như Trâm Khê không chỉ là điển hình đơn lẻ, là mô hình để tham quan? Đó cũng chính là điều mỗi cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm, trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng.

Hoàng Ngân

Đọc thêm