Giữ người tài

Cách đây 5 năm, khi bắt đầu mở thị trường tại Đà Nẵng, Công ty FPT Software tại Đà Nẵng đã đặt lên hàng đầu bài toán nguồn nhân lực. Với cơ sở ban đầu chỉ có 10 người từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào, sau 5 năm, FPT Software tại Đà Nẵng hiện có 370 người. Và bức tranh sau 5 năm nữa sẽ có tổng cộng 1.500 người.

Cách đây 5 năm, khi bắt đầu mở thị trường tại Đà Nẵng, Công ty FPT Software tại Đà Nẵng đã đặt lên hàng đầu bài toán nguồn nhân lực. Với cơ sở ban đầu chỉ có 10 người từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào, sau 5 năm, FPT Software tại Đà Nẵng hiện có 370 người. Và bức tranh sau 5 năm nữa sẽ có tổng cộng 1.500 người.

Ông Nguyễn Tuấn Phương

Trò chuyện với ĐNCT, Phó Giám đốc Công ty FPT Software tại Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương chia sẻ:

Phát triển nguồn lực được bắt đầu bằng việc quan hệ chặt chẽ với các trường đại học, để “săn” nhân tài ngay trong sinh viên năm cuối của ngành CNTT, nhất là ở Đại học Đà Nẵng và sau này sẽ có thêm nguồn cung khác là Trường Đại học FPT Đà Nẵng. Mặt khác, chúng tôi xác định điểm mạnh - yếu trong nguồn lực ở Đà Nẵng để có các chính sách nâng cấp, đào tạo lại. Nhưng đôi lúc việc đào tạo mất quá nhiều thời gian và chi phí thì buộc phải thu hút nhân tài từ 2 đầu đất nước về.

* Vậy khó khăn khi thu hút nguồn nhân lực CNTT từ 2 đầu đất nước về Đà Nẵng là gì, thưa ông?

- Sinh viên học ngành CNTT tại Đà Nẵng có trình độ kỹ thuật cao so với mặt bằng trong nước, có thể làm được những dự án lớn. Song, các bạn này cần rèn luyện thêm những kỹ năng mềm: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình..., nhưng khó nhất vẫn là khả năng ngoại ngữ. Ban đầu, không có nhân viên nào nói được tiếng Nhật trong khi gần 1/2 trong tổng số dự án của FPT Software làm việc với các đối tác Nhật Bản. Chúng tôi phải áp dụng chính sách “luân chuyển nguồn lực”, đưa nhân viên từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng làm việc cả ngắn hạn và dài hạn; những nhân viên khá tại Đà Nẵng được luân chuyển đến 2 đầu đất nước hoặc đưa ra nước ngoài để học tập, rèn luyện.

Công ty còn tạo điều kiện cho lần lượt nhân viên đầu tư toàn bộ thời gian học tiếng Nhật. Đúng lúc FPT Software xây dựng chi nhánh tại Đà Nẵng, thành phố có làn sóng thu hút đầu tư mạnh mẽ từ Nhật Bản, nên phong trào học tiếng Nhật thật sự trở nên sôi nổi, tạo điều kiện thuận lợi cho FPT tìm kiếm nguồn nhân lực có khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật.

Tuy nhiên, để đội ngũ nhân lực ở hai đầu đất nước an tâm công tác tại Đà Nẵng, tự chúng tôi phải có những chính sách ưu đãi đặc biệt về lương cũng như hỗ trợ chi phí nhà ở. Nhưng việc đào tạo tiếng Nhật, tiếng Anh tại Nhật Bản hay Anh, Mỹ cũng vừa gặp thuận lợi, vừa gặp khó khăn. Thị trường Nhật rất kiên nhẫn, thường nghĩ đến quan hệ hợp tác lâu dài nên họ sẵn sàng chấp nhận kỹ sư Việt Nam nói tiếng Nhật không tốt sang làm việc. Trong khi đó, thị trường Anh, Mỹ thì ngược lại, bởi họ chỉ quan tâm đến kết quả công việc, chứ không mong muốn phải mất công đào tạo kỹ sư Việt Nam.

* Theo ông, Đà Nẵng cần làm gì để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong ngành CNTT?

- Tôi cho rằng, thu hút người tài đã khó, việc giữ được người tài càng khó hơn không chỉ đối với FPT Software mà còn với bất kỳ công ty, đơn vị nào. Ngành nghề gì cũng cần những con người hội đủ độ chín nhất định cả về chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ, lẫn về đối nhân xử thế. Bên cạnh sự đột phá ban đầu trong khâu đào tạo cán bộ, tôi nghĩ rằng, Đà Nẵng cần quan tâm hơn nữa đến nguồn nhân lực chất lượng cao không trực thuộc các sở, ban, ngành, các công ty của thành phố. Cần có khu nhà ở dành cho các chuyên gia, đồng thời bảo đảm cuộc sống không những cho bản thân các chuyên gia mà còn cho cả gia đình của họ, nhất là các điều kiện về giáo dục và y tế.

Đồng thời, cần có chính sách quảng bá ngành CNTT thích hợp. Chẳng hạn, Ấn Độ biến ngành CNTT thành một chuỗi từ đầu vào đến đầu ra bằng việc đặt ra chỉ tiêu đào tạo cho các trường để đáp ứng đúng yêu cầu mà các công ty và xã hội đang cần, tạo nên làn sóng nguồn nhân lực đổ vào ngành này. Trong khi tại Đà Nẵng, đầu ra của ngành CNTT rất ít. Việc quảng bá cho ngành CNTT cần có sự vào cuộc của Chính phủ và chính quyền địa phương. Trong tốc độ phát triển của Đà Nẵng, thành phố cần nỗ lực thay đổi bộ mặt của ngành CNTT, để đầu vào và đầu ra của ngành này tốt hơn, đồng thời tạo nên bức tranh tươi sáng cho các ngành công nghệ cao.

TÚ PHƯƠNG (thực hiện)

Đọc thêm