Đầu năm 2007, Bộ Chỉ huy quân sự phối hợp với Hội Cựu chiến binh thành phố triển khai Đề án xóa nghèo cho hội viên Hội Cựu chiến binh. Sau 3 năm thực hiện (2007- 2009), đề án phát huy tác dụng, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ cựu chiến binh nghèo từ 2,45% (cuối năm 2006).
Nhiều cựu chiến binh thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ
Được hỗ trợ 5 triệu đồng, mỗi cựu chiến binh (CCB) nghèo chọn một cách làm khác nhau. Người mở dịch vụ, người mua gia súc, gia cầm về nuôi rồi nhân giống, bán lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình. Trường hợp ông Vũ Đức Khuynh, CCB xã Quang Trung, huyện An Lão là một ví dụ.
Từ năm 2008 trở về trước, gia đình ông luôn thuộc diện hộ nghèo của xã. Gia đình càng nghèo hơn sau khi con gái ông bà chia tay chồng, bỏ đi nơi khác để lại 2 đứa cháu nhỏ cho ông bà nuôi. Năm 2008, ông Khuynh được hỗ trợ 5 triệu đồng từ nguồn quỹ Đề án giúp CCB xóa nghèo. Tuổi cao, sức yếu không kham nổi công việc nặng nhọc, được các cán bộ Hội CCB tư vấn, ông mua một trâu nái về nuôi. Lấy công làm lãi, 1 năm sau, trâu đẻ một con nghé. Ông Khuynh vui mừng kể: “Thật khó diễn tả niềm vui của gia đình tôi khi nghé con ra đời, lớn nhanh từng ngày. Vừa qua, chúng tôi bán con nghé lấy tiền tu sửa lại căn nhà cũ, sắm được chiếc ti-vi và một số đồ dùng cần thiết khác. Có lẽ vui hơn cả là năm 2009, gia đình tôi được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã”.
Giúp cần câu - cựu chiến binh nghèo tự câu được cá
Ông Khuynh chỉ là một trong số hơn 600 gia đình được nhận hỗ trợ từ Đề án xóa nghèo cho hội viên Hội CCB. Đại tá Đỗ Mạnh Hùng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự thành phố cho biết: “Đề án xóa nghèo cho hội viên Hội CCB có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc xuất phát từ nghĩa tình đồng đội thủy chung, son sắt giữa lớp lớp cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân. Đây là tình cảm, trách nhiệm của thế hệ đi sau với thế hệ cha anh đi trước, giữa những người cùng thế hệ, giữa cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang với cán bộ, hội viên Hội CCB”.
Từ thực tế cuộc sống, những cách làm như “cho tiền người túng bấn, cho gạo người đói” chưa thể giúp họ hết đói, hết nghèo mà còn gieo vào họ mầm mống của tâm lý trông chờ, ỷ nại. Phương châm chỉ đạo được đưa ra là “trao cần câu, chỉ chỗ câu và hướng dẫn cách câu” giúp xóa nghèo bền vững cho hội viên Hội CCB. Việc hỗ trợ tập trung giúp CCB nghèo mua cây trồng, vật nuôi, sắm công cụ sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế. Cơ quan quân sự và Hội CCB các cấp luôn đồng hành với các gia đình CCB nghèo từ chỗ tìm cách làm ăn, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sao cho hiệu quả đến khi các gia đình thực sự thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn để thực hiện đề án được huy động từ tiết kiệm chi tiêu của các đơn vị, sự tự nguyện đóng góp của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và hội viên Hội CCB thành phố. Bên cạnh đó, các đơn vị quân đội, công an đóng trên địa bàn, các doanh nghiệp, doanh nhân là CCB cũng có những đóng góp tích cực cho thành công chung của đề án.
Trong 3 năm, (2007 – 2009), Đề án xóa nghèo cho hội viên Hội CCB vận động được 277 lượt các đơn vị và hàng chục vạn cá nhân tham gia ủng hộ hơn 2,2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên đã hỗ trợ trực tiếp 467 gia đình hội viên nghèo mua vật nuôi, cây trồng, công cụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chương trình huy động được 300 triệu đồng từ họ hàng, làng xóm giúp đỡ CCB nghèo vươn lên thoát nghèo. Năm 2010, đề án vận động được gần 1,2 tỷ đồng, giúp 207 gia đình xóa nghèo (203 hộ được hỗ trợ vốn, 4 hộ được hỗ trợ xây nhà “nghĩa tình đồng đội”). |
Sau hơn 3 năm triển khai, Đề án xóa nghèo cho hội viên Hội CCB cho thấy hiệu quả rõ rệt, khẳng định vai trò, ý nghĩa xã hội to lớn. Hơn 600 gia đình CCB nghèo được hỗ trợ đã và đang tự tin trên con đường vươn lên thoát nghèo bền vững càng khẳng định chủ trương “trao cần câu, chỉ chỗ câu, hướng dẫn cách câu” cho người nghèo là hoàn toàn đúng đắn./.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lai, phường Minh Đức (Đồ Sơn):
“Có bột sẽ gột nên hồ”
|
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lai |
Năm 1977, tôi rời quân ngũ, chuyển ngành về Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản huyện Kiến Thụy. Hai vợ chồng tôi sinh được 4 người con thì 2 cháu bị ảnh hưởng của chất độc da cam, thường xuyên phải điều trị thuốc men rất tốn kém. Sức khỏe yếu cộng với gánh nặng gia đình, tôi xin nghỉ việc ở xí nghiệp. Kinh tế gia đình chủ yếu trông vào một mẫu ruộng cấy lúa, thu nhập từ đi làm thuê, chài lưới nên cuộc sống của 6 người hết sức khó khăn.
Năm 2009, gia đình tôi nhận được 5 triệu đồng hỗ trợ từ đề án xóa nghèo cho các CCB. Cùng với số tiền đó, Hội CCB phường hướng dẫn tôi mua 1 con lợn nái, 50 con vịt giống, tu sửa ao, thả cá và thả gà. Từ con lợn nái giống cho lứa lợn con đầu tiên, sau khi bán, trừ chi phí sản xuất, gia đình thu lãi hơn 4 triệu đồng. Năm đó gia đình tôi đã thu lãi được tổng cộng 12 triệu đồng. Kinh tế gia đình dần ổn định, quy mô sản xuất được tiếp tục được mở rộng. Đến nay, gia đình tôi được công nhận thoát nghèo.
Đề án xóa nghèo không chỉ giúp chúng tôi về vốn, “có bột để gột nên hồ”, mà còn hỗ trợ chúng tôi tìm ra mô hình sản xuất phù hợp, sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đó là sự hỗ trợ quý báu, thắm đượm tình đồng chí, đồng đội và nghĩa tình của những người lính hôm nay dành cho thế hệ cha anh đi trước.
Cựu chiến binh Cao Đức Ngọc, xã Trung Lập (Vĩnh Bảo)
Đề án thật sự thiết thực với những cựu chiến binh nghèo
|
Cựu chiến binh Cao Đức Ngọc |
Sau khi xuất ngũ về địa phương, đời sống kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Vợ chồng tôi có 2 cháu trai nhưng đều bị bệnh thiểu năng trí tuệ, không thể đi học và kiếm việc làm.Thu nhập cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng rồi đi cấy thuê nên dù rất cố gắng, nhà tôi vẫn nằm trong diện hộ nghèo của xã.
Trong lúc khó khăn, rất may tôi nhận được 5 triệu đồng từ đề án xóa nghèo cho các CCB. Gia đình tôi trăn trở làm thế nào để phát huy hiệu quả đồng vốn vì đó là tấm lòng của đồng chí, đồng đội và lãnh đạo các cấp. Tôi vay mượn anh em họ hàng thêm 3 triệu đồng, quyết định dùng số tiền đó mua một con bò cái. Nhà tôi ở ven đê sông Luộc, ngày ngày, hai con trai tôi dát bò ra đê chăn thả. Do chăm sóc tốt, bò sinh 2 lứa. Gia đình tôi bán một con bê được 6 triệu đồng, sau khi trả nợ tôi được 3 triệu đồng phục vụ chi tiêu sinh hoạt gia đình. Cặp bò giúp gia đình tôi có thêm sức kéo và phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, hai cháu nhà tôi có việc làm phù hợp với sức khỏe. Trong tương lai, gia đình tôi dự định tiếp tục duy trì và phát triển đàn bò để hai cháu có thể lao động nuôi sống bản thân .
Tôi thấy, đề án rất thiết thực khi giúp những CCB nghèo như chúng tôi tìm được hướng phát triển kinh tế gia đình. Nhờ có đề án mà giờ, tôi không còn phải quá lo lắng về tương lai của 2 con trai tôi nữa, đó là sự hỗ trợ quý giá, khó diễn tả hết bằng lời../.