Gỡ khó tín dụng nông nghiệp, nông thôn

(PLO) - Nếu như 6 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh Hải Dương (Agribank Hải Dương) mới chỉ đạt 2-3 % thì kết thúc năm 2014, con số này đã vượt trên 12%. 2 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng đã đạt 96,48% kế hoạch của quý I…
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Chính quyền vào cuộc
Theo báo cáo mới nhất của Agribank Hải Dương, tính đến 28/2/2015, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh đạt 11.705,8 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương là 11.551,8 tỷ đồng, chiếm 98,68 tổng nguồn vốn hoạt động, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 101,73% chỉ tiêu kế hoạch quý I/2015. 
Riêng tiền gửi dân cư chiếm 94,53% tổng số vốn huy động, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014; vốn dự án tín dụng nhận từ trụ sở chính là 154 tỷ đồng, chiếm 1,32% tổng nguồn vốn hoạt động, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014.
“Nhiều khó khăn khơi thông nguồn vốn đã được đích thân Chủ tịch UNBD tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành của tỉnh tháo gỡ sau buổi làm việc với ngân hàng hồi tháng 8/ 2014…”- ông Phùng Tuấn Kiệt, Giám đốc Agribank Hải Dương chia sẻ. Ông Kiệt cho biết, đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch tỉnh trực tiếp làm việc với ngân hàng và đây sẽ là hoạt động thường niên.
Mặc dù trên địa bàn Hải Dương ngoài Agribank Hải Dương còn có 24 tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng thương mại loại I và 72 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đang hoạt động và mở rộng mạng lưới đến tận khu vực nông thôn, song Agribank vẫn là ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất (năm 2014 chiếm 23,17%, tăng 1,17% thị phần so với năm 2013) và đặc biệt là ngân hàng chủ lực cho vay nông nghiệp nông thôn khi dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm đến trên 88%.
Bên cạnh tháo gỡ của chính quyền về thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ), hỗ trợ ngân hàng và khách hàng trong hoạt động cấp tín dụng thì bản thân ngân hàng rất chủ động trong việc hạ lãi suất cho vay. Năm 2014 Agribank Hải Dương đã có 4 lần hạ lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 2 tháng đầu năm 2015 tiếp tục hạ lãi suất thêm 2 lần, trong đó 1 lần ngân hàng chủ động hạ. 
Sâu sát và chia sẻ
Ông Nguyễn Tiến Lự, Tổ trưởng Tổ vay vốn số 6 (thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện) hồ hởi cho biết, cả thôn có 255 hộ thì có đến 130 hộ vay vốn của Agribank. Còn ông Đặng Xuân Quyện, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Đoàn Kết nhớ lại những ngày đầu thành lập HTX, cán bộ tín dụng của Agribank rất nhiệt tình gắn bó với bà con, hướng dẫn, tạo điều kiện cho bà con làm hồ sơ vay vốn nhanh chóng, thuận tiện, từ mức vay 30 triệu đồng tăng lên 50 triệu đồng, giờ có hộ như gia đình ông được vay tới 200 triệu đồng, tuy thủ tục rất phức tạp. 
Ông Quyện đề nghị cần nâng mức vay không có tài sản bảo đảm lên 100 triệu đồng, thay vì phải công chứng Hợp đồng thế chấp và đăng ký tài sản thế chấp quyền SDĐ ở Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cần đưa về xã. “Nhu cầu vay vốn của bà con rất lớn. Trong số 130 hộ có vay vốn của ngân hàng thì có đến 27 hộ có mức vay trên 100 triệu, có khoảng 50 hộ nữa cũng có nhu cầu vay vốn lớn hơn nhưng nghĩ đến thủ tục mà nản…”- ông Lự cho biết.
Cũng được sự hỗ trợ của nguồn vốn từ Agribank, gia đình ông Cao Văn Lâm (thôn Văn Xá, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện) đã xây dựng mô hình đầu tư máy sản xuất nông nghiệp để phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương, với nguồn vốn 200 triệu đồng, lãi suất 0% từ ngân hàng cùng với số vốn của gia đình, ông đã đầu tư 2 tỷ đồng mua máy cấy, máy gặt, máy gieo mạ theo công nghệ Nhật Bản. 
Ông Lâm cho hay, việc sử dụng máy nông nghiệp sẽ cho năng suất hơn rất nhiều so với việc bà con vẫn đi cấy, đi gặt như trước. Ông Lâm cho biết, hiện tại gia đình đang cấy 70 mẫu và 100 mẫu của bà con, song nhu cầu thì vô cùng. Ông tính toán, đầu tư máy móc chỉ 1- 2 vụ là thu hồi được vốn, nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp rất cao nhưng khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn.
Theo ông, khó nhất là sổ đỏ và thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm: “Trên sổ đỏ chỉ ghi giá trị quyền SDĐ trong khi nhà xây dựng trên đất đó mới có giá trị nhưng không được chứng nhận, Văn phòng đăng ký giao dịch bảo đảm chỉ đăng ký cho phần quyền SDĐ mà không đăng ký cho phần tài sản gắn liền trên đất, vì thế số tiền bà con vay được cũng không vượt quá giá trị được đăng ký… Còn thủ tục công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm thì vô cùng nan giải. Cả huyện chỉ có một phòng công chứng. Mà muốn công chứng phải cả vợ chồng, con cái lên huyện cách xa 17- 18 cây số, có gia đình con đi làm tỉnh xa cũng phải gọi về đủ thì mới công chứng được…”.
“Ngân hàng tạo mọi điều kiện để bà con tiếp cận với nguồn vốn, song đúng là còn nhiều thủ tục cần tiếp tục có sự tháo gỡ từ Trung ương…”- bà Trần Thu Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank huyện Thanh Miện đề nghị. 
Ngân hàng khó giải ngân trong khi nguồn vốn huy động dồi dào
Trao đổi với PLVN, ông Phùng Tuấn Kiệt, Giám đốc Agribank Hải Dương cho biết việc mở rộng tín dụng trên địa bàn nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP đang gặp khó khăn do Nghị định chưa điều chỉnh đối với các hộ sản xuất nông nghiệp ở khu vực thị trấn, ven đô (các hộ này không có tài sản thế chấp, không hoặc chưa đủ điều kiện để Agribank áp dụng cho vay không bảo đảm) nên đã hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với các đối tượng này.
Ông Kiệt cũng cho biết, hiện Agribank Hải Dương đang triển khai cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg. Đã có nhiều hộ gia đình, cá nhân đăng ký mua máy đang được các Chi nhánh thẩm định, giải ngân. Tuy nhiên, giá trị máy gặt hiện đang dao động từ 285-640 triệu đồng. Đây là khoản tiền đầu tư rất lớn ở khu vực nông thôn, trong khi nhiều hộ không có tài sản hoặc không có đủ tài sản bảo đảm nên việc tiếp cận vốn vay của khách hàng rất khó khăn, ngân hàng không thể giải ngân trong khi nguồn vốn huy động tại chi nhánh đang rất dồi dào…

Đọc thêm