Chuyện khó tin ở vùng đất anh em chú bác lấy nhau

(PLO) -Tại các bản vùng cao thuộc xã Hồng Trị (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho giống nòi. Thế nhưng việc xóa bỏ hủ tục trên vẫn đang là bài toán nan giải, thách thức các ban ngành nơi đây.
Gia đình Dìa - Mỵ.
Gia đình Dìa - Mỵ.
“Thích là lấy thôi!”
Đối với đồng bào người Mông, chuyện “bắt vợ” được chấp nhận vì đó là phong tục tập quán có từ lâu đời. Trai gái chỉ cần đến các phiên chợ tình, hoặc lúc đi làm nương rẫy thấy cô nào ưng cái bụng là có thể bắt về nhà làm vợ. Chuyện bắt vợ quả là kỳ thú, song anh em ruột bắt chị em con bác về làm vợ thì càng kỳ lạ hơn. Đó là câu chuyện của vợ chồng Mã Thị Mỵ, Hoàng A Dìa tại bản Khau Pầu. 
Nhà Dìa nằm gọn ở một quả đồi, khi chúng tôi đến, Mỵ đang may áo để chuẩn bị đi chợ tình, xung quanh là mấy đứa con lau nhau đang ăn ổi. Kể về chuyện tình của mình, Mỵ bảo: “Tôi với Dìa là anh em con chú con bác, biết nhau từ bé khi đi làm nương, anh ấy ưng cái bụng là “bắt” tôi về làm vợ thôi”.
Phía bên góc sân Dìa đang bổ củi, thấy có khách, anh dừng tay mời chúng tôi vào nhà. Năm nay mới 25 tuổi nhưng trông Dìa già hơn hàng chục tuổi vì anh là lao động chính, gánh vác kinh tế gia đình gồm 6 miệng ăn. Ngồi bên bếp than hồng, anh ngượng ngùng chia sẻ: 
“Mình và Mỵ đã quen nhau từ nhỏ, là anh em con bác ruột nên gặp suốt, mặc dù khác bản, cách nhau một quả đồi. Khi lớn lên ngày nào lên rẫy cũng gặp nhau nên thích là “bắt” về làm vợ luôn. Hai vợ chồng tôi kết hôn từ năm 2006, đến giờ cũng đã có với nhau 4 đứa con rồi”.
Mới 23 tuổi nhưng Hoàng A Dờ đã có 4 người con.
Mới 23 tuổi nhưng Hoàng A Dờ đã có 4 người con. 
Cách nhà anh Dìa khoảng 50 mét là gia đình người em trai Hoàng A Dờ. Khi chúng tôi đến thì vợ Dờ là Mã Thị Đơ - em gái của Mỵ đã lên nương rẫy. Khi được hỏi chuyện tình của mình, Dờ tâm sự: “Thời gian anh Dìa lấy chị Mỵ, Đơ vợ mình hay sang nhà anh trai chơi nên bọn mình thích nhau luôn, khi đó mới 14 – 15 tuổi. Khi biết chuyện, bố mẹ và họ hàng cũng đồng ý và còn bảo hai đứa lấy nhau để họ hàng thêm gần gũi. Nhà có trai tốt, gái ngoan mà gả cho dòng họ khác thì tiếc lắm”.
Anh Lý A Ngài, công an viên bản Khau Pầu cho biết: “Chuyện hai anh em ruột lấy chị em con bác ruột ở bản Khau Pầu là có thật. Mẹ vợ Dìa cũng là chị gái, chị ruột của bố nó nữa. Ở trong bản này họ cứ thích nhau là lấy nhau thôi. Bà con vẫn còn thiếu nhận thức lắm, mấy năm trước toàn lấy vợ từ 13, 14 tuổi. Sang năm nay thì chưa thấy có trường hợp nào cưới tảo hôn và lấy nhau cận huyết thống cả”. 
Gian nan đưa luật đến với đồng bào 
Khi được hỏi nếu chính quyền có biện pháp ngăn chặn kịp thời, liệu tình trạng đáng tiếc trên có xảy ra, Trưởng bản Khau Pầu Thào A Tú bày tỏ: “Bắt vợ là luật tục đã có từ bao đời nay cho nên việc tuyên truyền, vận động đồng bào thường hay né tránh, thậm chí còn cãi lý”. 
Phó Chủ tịch xã Hồng Trị Nội Viết Định thì cho biết: “Thực trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn vẫn còn tồn tại dai dẳng. Nhiều bản làng các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ… kết hôn cận huyết thống rất gần, mới đến đời thứ hai. Nguyên nhân do tập tục ăn sâu vào tiềm thức của bà con với quan niệm kết hôn trong dòng tộc để củng cố, gắn bó quan hệ họ hàng, dòng tộc. Dân trí thấp, nhiều cặp vợ chồng 30 - 40 tuổi vẫn mù chữ hoặc chưa học hết lớp 3, 4. Thế nên, họ vẫn theo tục lệ cũ sắp đặt và quyết định kết hôn cận huyết thống cho con mình vì suy nghĩ lạc hậu “của cải, đất đai trong dòng họ không thể mang cho các dòng họ khác”. 
Bản Khau Pầu với những ngôi nhà sàn san sát nhau.
Bản Khau Pầu với những ngôi nhà sàn san sát nhau. 
Ông Phó Chủ tịch dẫn chứng: “Điển hình là cặp vợ chồng Vi Văn Đôn và Nông Thị Nhung là anh em con cô, con bác ruột bị gia đình ép lấy nhau. Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống khiến họ sinh được 5 người con thì 4 đứa bị dị tật. Vừa rồi, do quá ốm yếu, đứa con thứ 3 đã mất. Đau lòng lắm!”.
Tình trạng tảo hôn và kết hôn cận thuyết thống xảy ra ở các vùng dân tộc ít người thuộc các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng đã và đang đặt ra vấn đề cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp, ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở. 
Song song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, cần các chính sách hỗ trợ thiết thực như tạo công ăn việc làm, bổ túc văn hóa để nâng cao nhận thức, từ đó từng bước xóa bỏ được tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, tiến tới xây dựng bản làng ngày càng no ấm, văn minh./.

Đọc thêm