Gò Mô ngày cuối năm

Hạ tuần tháng chạp, nắng ấm lên chút. Những rồng, những phượng chừng như bừng tỉnh sau giấc ngủ đông, khẽ cựa mình trên những mái ngói âm dương, trên những mảng tường vừa mới được sơn quét lại. Lên Gò Mô, bất giác cảm thấy đâu đây thoang thoảng làn trầm hương viếng người đã khuất.

Hạ tuần tháng chạp, nắng ấm lên chút. Những rồng, những phượng chừng như bừng tỉnh sau giấc ngủ đông, khẽ cựa mình trên những mái ngói âm dương, trên những mảng tường vừa mới được sơn quét lại. Lên Gò Mô, bất giác cảm thấy đâu đây thoang thoảng làn trầm hương viếng người đã khuất.

Lăng mộ Ông Ích Khiêm là “điểm nhấn” của cụm di tích Gò Mô.

Lăng mộ Ông Ích Khiêm là “điểm nhấn” của cụm di tích Gò Mô.  

Trong từ đường tộc Ông, con cháu của dòng họ nổi tiếng làng Phong Lệ này đang mỗi người một việc trang hoàng, bày biện lại các đồ tế tự. Họ giữ lệ, sau hai mươi tháng chạp hằng năm, gần xa đều kéo nhau về để chuẩn bị cho nhà thờ gia tộc được tinh tươm trước giờ đón năm mới. Ông Ông Văn Chính là “ông trẻ”, bởi tuy chỉ mới qua tuổi 53 nhưng với vai vế trong dòng họ là tộc trưởng, kể rằng, sau bao lần bị hư hại do thiên tai, chiến tranh, nhà thờ tộc Ông được tái thiết vào năm 1960. Khi Nhà máy nước Cầu Đỏ mở rộng khuôn viên, gia tộc bàn nhau dời nhà thờ lên Gò Mô, cạnh đình làng Phong Lệ Bắc.

Năm 2007, nhà thờ mới được khánh thành với kinh phí trên 500 triệu đồng, vẫn theo ông Chính, trong đó, trên 100 triệu là tiền đền bù, hỗ trợ của thành phố và ngành bảo tàng; số còn lại, vận động con cháu gần xa đóng góp. Có được ngôi thờ tiên tổ, huyết thống gia tộc chừng như càng gần lại thêm hơn. Hằng năm theo âm lịch, tất cả tề tựu về dự lễ tế Xuân (16 tháng 2), tế Thu (16-8), Chạp mả (3-12) và lễ Tam tiết – 3 ngày gồm 30 tháng chạp, mồng 1 và mồng 2 Tết. Nghi lễ theo cổ truyền, làm “trầm trà” thì chỉ có hương đèn hoa quả, làm lớn thì có thêm học trò đi lễ, nhạc sanh đánh dàn nhạc bát âm.

Đón năm mới, tối 30 tháng chạp, gia tộc thiết lễ cúng tất niên rồi cúng Giao thừa với hương hoa, bánh trái. Nhà thờ có người trực mở cửa suốt 3 ngày Tết, con cháu về viếng hương tổ tiên không quên viếng mộ danh sĩ Ông Ích Đường ở chếch ngay phía sau nhà thờ và mộ danh tướng Ông Ích Khiêm trên đồi cao.

“Giết Đường này, còn trăm nghìn Đường khác. Bao giờ hết mía mới hết Đường”. Câu nói bất hủ của con người khảng khái đã anh dũng hy sinh dưới lưỡi gươm quân thù sau cuộc biểu tình đòi thực dân Pháp giảm sưu thuế năm 1908 không chỉ được tạc vào tấm bia đá nơi mộ ông mà còn ghi vào lòng dân, nhất là lớp lớp cháu con tộc Ông. Thắp một nén nhang, đọc lại lời văn bia, cảm thấy người xưa như gần lại. Học ở người xưa đức độ của đấng trượng phu - bênh vực kẻ yếu, giúp người nghèo khổ, chống lại bất công...

Lăng mộ Ông Ích Khiêm gần như nằm ở nơi cao nhất của Gò Mô, quay mặt về hướng núi Ngũ Hành Sơn. Một trong những câu đối tôn vinh công đức, tài năng, phẩm hạnh của ông vẫn được bảo lưu, là câu đối ở nhà bia: Lệ thủy ba trừng long củng phục/ Hành sơn vân tập hổ lai triều. Nghĩa là: Sông Cẩm Lệ sóng rền, rồng thiêng quy phục/ Núi Ngũ Hành mây tụ, cọp dữ về chầu. Nghiêng mình trước anh linh người xưa đã vĩnh viễn yên nghỉ trong lòng đất mẹ, sực nhớ rằng, hơn một thế kỷ rưỡi trước, khi tàu chiến Pháp – Tây Ban Nha tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, dưới quyền chỉ huy của Tổng thống quân thứ Nguyễn Tri Phương, danh tướng họ Ông lo việc củng cố các tuyến phòng thủ bảo vệ Đà Nẵng, đã tỏ rõ một vị tướng có thực tài với nhiều mưu kế trong việc tác chiến trên bộ.

Chợt nhớ, có lần ghé thăm Nghĩa trủng Hòa Vang ở phường Khuê Trung, nghe ông Năm Đải – một vị cao niên kể về trận mù u đánh Pháp, tương truyền là do Ông Ích Khiêm tổ chức tấn công. Bên hông nghĩa trủng hiện còn một cây mù u cổ thụ, lần nọ, có một ông ở làng Phong Lệ xuống viếng hương, nói là cháu ba, bốn đời của danh tướng họ Ông. Sẵn cái mác của bà con dọn cỏ dựng bên hông miếu Bà, người đó lấy mũi mác khắc luôn hai vạch trên thân mù u thành hình chữ nhân rồi bảo với mọi người: Di chúc của ngài họ Ông chúng tôi luôn nhắc đi nhắc lại một điều là sống làm răng cho ra con người.

Cái bản di chúc đó, được Ông Ích Khiêm lập một ngày trước khi chọn cái chết ở ngục Bình Thuận. Do bản chất cương nghị, không chịu xu nịnh, luồn cúi, ông bị một số quan lại triều đình Huế kiếm cớ buộc tội, cách chức rồi đày ông vào đây. Ông ung dung viết một bản di chúc khoảng 1.500 từ bằng chữ Hán để lại cho gia đình có tựa là: “Bình Thuận ngục trung di chúc, thê tử huynh đệ đồng khán chiếu biện”, nghĩa là: “Lời di chúc trong ngục Bình Thuận để vợ con, anh em cùng soi xét”.

125 năm qua, những gì ông gửi gắm lại trong chúc thư không chỉ được dòng họ Ông “soi xét” mà cả xã hội cũng đã lấy đó làm bài học giáo dục truyền thống. Đà Nẵng hiện có hai trường được vinh dự mang tên ông, một tiểu học ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, một THPT ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Hằng năm, các trường đều tổ chức các hoạt động “về nguồn”, đưa học sinh đi thực địa để tìm hiểu công đức người xưa. Lăng mộ ông đã được trùng tu 2 lần. Lần thứ nhất vào năm 1966, kinh phí do tỉnh Quảng Nam, thời Chính quyền Sài Gòn cũ cấp. Lần thứ hai vào năm 1993, kinh phí do UBND huyện Hòa Vang cấp. Lần thứ ba vào năm 2003, quy mô hơn với kinh phí Trung ương, lăng mộ ông đã được tô đá mài phần nấm mộ, mở rộng và lát gạch toàn bộ khuôn viên mộ, tôn tạo và lợp lại mái nhà bia...

Những ngày cuối năm, Gò Mô tấp nập nhiều đoàn người đến từ khắp nơi, là con cháu của các dòng tộc có người nằm lại ở đó. Bên cạnh Nhà thờ tộc Ông, Lăng mộ Ông Ích Khiêm và Ông Ích Đường, còn có Đình làng Phong Lệ Bắc, Âm linh, Bia di tích Lịch sử xã Hòa Thọ (cũ)... tất cả góp phần làm cho Gò Mô thành một cụm di tích văn hóa – lịch sử của phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Thầy Ông Văn Hiệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương hy vọng nơi đây sẽ là một trong những địa chỉ quen thuộc đối với những ai muốn tìm hiểu về đất và người của một vùng đất. Ông Ông Văn Cũng, Giám đốc Công ty TNHH Anh Phương, thì mỗi lần về Gò Mô lại cảm thấy như được bình yên, được che chở bởi những người đi trước, nhất là mỗi khi Tết đến xuân về…

VIÊN PHÚC QUÂN

Đọc thêm