Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp toàn tỉnh Sơn La chỉ tăng 2,27% so với cùng kỳ (chủ yếu tăng giá trị nhóm cây ăn quả và một số cây hằng năm). Giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu ước đạt trên 50 triệu USD, giảm 39,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Để tìm cách tháo gỡ, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La sẽ tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tổ chức chương trình kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh tại Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân.
Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa vào hoạt động các nhà máy chế biến nông sản trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc (Mộc Châu); Nhà máy chế biến rau, quả và đồ uống công nghệ cao của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao - Tập đoàn TH (Vân Hồ)…
|
Sau 2 tháng dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội, toàn tỉnh Sơn La đã tiêu thụ trên 51.000 tấn mận |
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Sơn La cũng tích cực đạo vận động các hộ gia đình, doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện về chuồng trại, giống để tái đàn, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại.
Đồng thời, khuyến khích người dân áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả và giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật.
Kết quả đạt được, sau 2 tháng dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội, toàn tỉnh Sơn La đã tiêu thụ trên 30.600 tấn xoài, trên 51.000 tấn mận, hàng trăm tấn rau củ, giải phóng được hàng chục nghìn tấn sản phẩm tinh bột sắn lưu kho...
Trong năm 2020, để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La cần tiếp tục cơ cấu lại trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích người dân điều chỉnh cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng có năng suất, chất lượng cao, góp phần cung cấp sản phẩm có uy tín cho thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường.