Gỡ rào cản để truyện tranh Việt gia nhập thị trường quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, truyện tranh Việt thu hút nhiều tác giả trẻ tham gia sáng tác và có những thành tựu đáng kể, không những đã được đón nhận trong nước mà còn được “xuất khẩu” ra thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản khiến truyện tranh Việt chưa phát huy đúng tiềm năng.

Tín hiệu vui

Mới đây, thông tin tác giả Việt Nam lọt vào danh sách nhận giải thưởng truyện tranh manga quốc tế Nhật Bản (Japan International Manga Award) khiến nhiều fan hâm mộ truyện tranh trong nước rất phấn khởi.

Theo đó, bộ truyện “Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm!” (Comicola và NXB Dân Trí ấn hành) của họa sĩ Hoàng Tường Vy đã đoạt giải Đồng cuộc thi. Đây là giải thưởng uy tín do các nhà phát hành truyện tranh đứng ra làm giám khảo. Mỗi năm, cuộc thi nhận khoảng 500 tác phẩm từ Hà Lan, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Việt Nam...

Bộ truyện tranh “Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm!” đoạt giải thưởng truyện tranh manga quốc tế Nhật Bản.

Bộ truyện tranh “Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm!” đoạt giải thưởng truyện tranh manga quốc tế Nhật Bản.

Trước đó, Việt Nam từng có hai tác phẩm đoạt giải Bạc là “Long thần tướng” năm 2016 và “Địa ngục môn” năm 2017. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, Việt Nam không có tác giả đoạt giải. Việc bộ truyện “Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm!” đoạt giải Đồng trong số tác giả tham gia đông đảo trên khắp thế giới được giới chuyên môn đánh giá là tín hiệu cho thấy truyện tranh Việt Nam đã có bước tiến đáng kể, có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

Vào tháng 6 vừa qua, sự kiện một họa sĩ trẻ Việt Nam ra mắt bộ truyện tranh tại Pháp cũng khiến cộng đồng yêu truyện tranh hào hứng. Đó là cuốn truyện tranh "Le Passage intérieur- Voyage essentiel en Alaska" (tạm dịch là "Inside Passage, chuyến thám hiểm không thể bỏ qua ở Alaska") do họa sĩ trẻ Mai Bách cùng tác giả kịch bản Maxime de Lisle thực hiện.

Đây là tác phẩm đầu tay của họa sĩ Mai Bách kể từ khi anh tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật truyện tranh Delcourt rất nổi tiếng ở Pháp. Lần đầu tiên một tác phẩm truyện tranh đầu tay của một họa sĩ trẻ Việt Nam được chào đón ở Pháp, một trong những thị trường xuất bản và tiêu thụ nhiều truyện tranh nhất thế giới khiến giới chuyên môn kì vọng một sự “bứt phá” mới cho truyện tranh Việt.

Tháng 7/2022, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt bộ truyện tranh bóng đá đầu tiên của Việt Nam “Sơn, Goal!”. Đây là dự án truyện tranh Manga đầu tiên được xây dựng kịch bản với bối cảnh tại Việt Nam có sự tham gia của đội ngũ sản xuất đến từ 2 quốc gia Nhật Bản - Việt Nam. Tuy có yếu tố hợp tác, nhưng đây vẫn được coi là bộ truyện tranh Việt bởi sự tham gia của đông đảo ekip sáng tác, xuất bản tại Việt Nam và nội dung “thuần Việt”.

Tăng tính cạnh tranh

Năm 2019, theo Cục xuất bản, In và Phát hành, Việt Nam có hơn 60 nhà xuất bản với số ấn phẩm truyện tranh in ra đạt gần 30 triệu bản nhưng hầu hết là truyện tranh dịch từ nước ngoài. Truyện tranh có nguồn gốc nước ngoài chiếm hơn 90% thị phần truyện tranh Việt Nam.

Thống kê của thị trường truyện tranh thế giới cho thấy có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. Tại Nhật, nhiều NXB hàng đầu đã công bố doanh số bán hàng bùng nổ vào năm 2021 và đến năm 2022 việc kinh doanh vẫn tăng trưởng không ngừng. Tại thị trường Canada ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, có NXB trong năm 2022 còn bán ra một số đầu sách “hot” tăng 200% so với năm trước. Thị trường Bắc, Mỹ, Đức cũng ghi nhận những thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng bùng nổ doanh số.

Thực tế cho thấy nhu cầu về truyện tranh đang gia tăng và đây là một thị trường rất tiềm năng. Điều này cũng đặt ngành truyện tranh Việt Nam trước một thách thức: Thay đổi để cạnh tranh, gia nhập thị trường hay “tụt hậu”, ở lại sau lưng?

Việt Nam từng có những bộ truyện tranh nổi danh ở những thập niên trước, được nhiều thế hệ bạn đọc Việt yêu thích như: Dũng sĩ Hesman, Thần đồng Đất Việt, Cô Tiên xanh, Trạng Quỷnh... Những năm gần đây, thị trường cũng xuất hiện một số bộ truyện tranh được độc giả trong nước và một số nước lân cận ưa chuộng như Long thần tướng, Học viện bóng đá, Địa ngục môn, Việt sử kiêu hùng, Thần tích... Nhiều truyện tranh Việt tuy chỉ phát hành trên mạng nhưng đã nhận được ủng hộ của độc giả là các dự án truyện tranh lịch sử Việt Nam hay các dự án truyện tranh ngắn phản ánh những vấn đề thời sự - cộng đồng.

Nhiều nhóm bạn trẻ, sinh viên... tham gia mạnh mẽ vào thị trường truyện tranh bằng những dự án phát hành trên mạng, được sự yêu thích của cộng đồng mạng, như nhóm Thăng Fly, Thỏ bảy màu, hay nhóm vẽ sinh viên mang tên “Lính Chì” mới chuyển thể tác phẩm truyện dài “Cô gái đến từ hôm qua” (Nguyễn Nhật Ánh).

Có thể thấy, thị trường truyện tranh Việt đã có những khởi sắc rõ nét ở cả việc “xuất ngoại” lẫn phát hành trong nước. Đặc biệt, xu hướng xuất bản trực tuyến đã mở ra một hướng đi mới cho truyện tranh Việt để tiếp cận bạn đọc quốc tế dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, việc xuất bản trực tuyến cũng vấp phải khá nhiều rào cản khiến truyện tranh Việt chưa thể phát huy đúng tiềm năng, nổi cộm nhất là vấn đề bản quyền. Việc truyện tranh của các tác giả sáng tác, phát hành trực tuyến bị copy, đăng tải lậu trên các website, tự ý chỉnh sửa cắt xén đã không còn quá xa lạ. Điều này gây thiệt hại lớn cho người sáng tạo, khiến họ “chùn tay” trong sáng tác. Cạnh đó, thị trường truyện tranh xuất bản cũng đối mặt với vấn đề sở hữu trí tuệ, với nỗi lo sách in lậu, in giả...

Thực tế trên đòi hỏi sự quan tâm, hoàn thiện hành lang pháp lý của cơ quan quản lý. Đồng thời, cũng cần có những chính sách hỗ trợ, đầu tư để các họa sĩ trẻ có thể phát huy tài năng, tăng sức cạnh tranh, tạo nên những dự án truyện tranh chất lượng, được yêu chuộng cả trong nước lẫn quốc tế.