“Bơi trong vòng xoáy”
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đơn vị tổ chức Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ nhất - năm 2023 mới đây đã lý giải chủ đề “Bơi trong vòng xoáy” của Diễn đàn, đó là môi trường hiện nay giống như một dòng xoáy buộc các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư phải ngụp lặn để tìm cơ hội.
“Những cơ hội ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ khi có nhiều thêm những biến số phức tạp và khó giải mã. Những câu hỏi như lớp tài sản nào nên ưu tiên, nhóm ngành nào sẽ vượt lên thời gian tới, đâu là những xu hướng đầu tư đang nổi lên… sẽ khó trả lời hơn trong một môi trường đầu tư đã thiết lập trạng thái mới nhưng không dễ thích ứng bởi sự xuất hiện của những vấn đề tinh vi, phức tạp và chưa từng có tiền lệ” - ông Minh chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng bày tỏ lo ngại là hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của DN bị bào mòn sau đại dịch COVID-19, một bộ phận DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng…
Theo Thứ trưởng, các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính (TTHC) trong giải quyết các vấn đề của DN. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu DN, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Thậm chí, nhiều DN, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do SXKD đình trệ, không có lãi. Việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức… Không chỉ thị trường trái phiếu DN, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có.
“Các DN nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy” khó khăn…””- Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ gì?
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nguyên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) cho rằng, so với đại dịch năm 2020 - 2021, hiện DN khó khăn hơn rất nhiều. “Tình hình bên ngoài chúng ta không kiểm soát được, nhưng thay đổi cái bên trong mới là cái quyết định!” - TS Cung quả quyết.
Theo chuyên gia đến từ CIEM, kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi có khó khăn bên ngoài thì bên trong có động lực cải cách mạnh mẽ. Ông Cung cho rằng, chúng ta đang sử dụng quá nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ DN, thậm chí đâu đó còn làm tăng chi phí của DN (ví dụ một số chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện giải ngân thấp..). “Trong lúc DN khó khăn thì cần kích cầu, tôi cho rằng chính sách tài khóa lúc này tốt hơn chính sách tiền tệ. Ví dụ, giải quyết hoàn thuế ngay cho DN, tiếp tục giảm thuế VAT đến hết năm 2025 … Có như vậy, DN, người dân mới chi tiêu, mới kích cầu lên được…” - TS Cung phân tích.
Chuyên gia cho rằng, việc cải cách môi trường kinh doanh chính là giảm chi phí, nhưng gần đây thậm chí có những chính sách làm tăng chi phí, tăng tính bất định, tăng rủi ro cho DN, mà quy định phòng cháy, chữa cháy là một ví dụ.
Phân tích những khó khăn mà DN đang phải đối mặt, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý đến vấn đề cạnh tranh và chuyển đổi xanh. Đặc biệt, DN hiện còn lo lắng về rào cản thể chế.
Ông Hiếu đánh giá, Chính phủ đã có nhiều quyết sách cụ thể, như Thủ tướng Chính phủ có Công điện 644/CĐ-TTg ngày 13/07/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, DN; Sau đó 2 ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Mới đây, ngày 6/8/2023, Thủ tướng đã có Quyết định 932/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng. “Như vậy, vấn đề còn lại là thực thi đến đâu hiệu quả như thế nào. Đây mới là vấn đề quyết định” - ông Hiếu nói.
Sẽ sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến SXKD và đầu tư.
Chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; Giao địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan TW trên địa bàn, nhất là các dự án quốc lộ, cao tốc; Hay là nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP; Sử dụng chi thường xuyên thực hiện dự án có kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình hiện có… “Đây là các vấn đề cấp thiết, cần khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - Thứ trưởng nhấn mạnh.