Băn khoăn của Bộ Công thương khi xây dựng, ban hành tiêu chí 'Sản xuất ở Việt Nam'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng thông tin “sản xuất ở Việt Nam” có thể tác động đến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị chỉ đạo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện; một số quy định pháp luật hiện hành liên quan đến ngành Y tế…
Việc xây dựng thông tư sản xuất ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn. ( Ảnh minh họa).
Việc xây dựng thông tư sản xuất ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn. ( Ảnh minh họa).

Bộ Công Thương mới có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xây dựng và ban hành Thông tư “Sản xuất tại Việt Nam”. Theo báo cáo này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét ban hành văn bản “sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Thông tư tại một thời điểm thích hợp để hạn chế thấp nhất tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Xây dựng thông tư gặp nhiều khó khăn

Việc xây dựng thông tư được Bộ Công Thương khởi động từ năm 2019 (mục tiêu ban đầu là xây dựng thông tư, sau đó lại đề nghị chuyển thành nghị định và sau một thời gian nghiên cứu Bộ Công Thương lại quay trở lại xây dựng thông tư - PV) nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng thông tư này đang gặp một số khó khăn nhất định.

Cụ thể, trong quá trình tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành đối với Dự thảo Thông tư và tự rà soát của Bộ Công Thương, Bộ nhận thấy vướng mắc về thẩm quyền ban hành văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Thông tư của Bộ trưởng.

Theo quy định về Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương cũng như các Luật chuyên ngành có liên quan, việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư “Sản xuất tại Việt Nam” hiện chưa đủ căn cứ pháp lý, chưa bảo đảm điều kiện “đúng thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao” như trong Nghị quyết của Chính phủ đã nêu.

Bên cạnh đó, việc ban hành Thông tư với nội dung quy định quản lý về hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam” chặt hơn so với hành lang pháp lý hiện có đối với hàng hóa lưu thông trong nước. Cơ sở căn cứ pháp lý chưa rõ ràng, vững chắc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý, tác động đến hệ thống văn bản pháp luật hiện tại, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ các doanh nghiệp.

Về tác động của chính sách, theo Bộ Công Thương, trên lý thuyết, quy định của Thông tư chỉ áp dụng khi thương nhân có nhu cầu ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” đối với hàng hóa của mình (nghĩa là chỉ hàng hóa nào muốn dán nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” thì mới bị điều chỉnh; trường hợp hàng hóa không ghi xuất xứ Việt Nam thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách quy định tại Thông tư).

“Tuy nhiên, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP đã quy định “xuất xứ hàng hóa” là một nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Như vậy, trừ trường hợp hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài thì gần như các tiêu chí tại Thông tư sẽ là bộ tiêu chí bắt buộc phải tuân thủ đối với hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam. Phạm vi tác động của Thông tư “Sản xuất tại Việt Nam” khi được ban hành sẽ là rất lớn” - Bộ Công Thương nhận định.

Trong đó, đặc biệt tác động đến những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hay hộ kinh doanh cá thể. Bởi với họ, việc xác định mã số HS hay tính toán hàm lượng giá trị của từng nguyên liệu trong sản phẩm để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo như quy định hiện tại tại Thông tư sẽ là thách thức lớn, thậm chí có thể sẽ phát sinh chi phí tuân thủ lớn cho doanh nghiệp. Điều này càng khó hơn khi hoạt động truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, việc xác định nguồn gốc xuất xứ của từng linh kiện, từng nguyên liệu không phải dễ dàng và rất tốn kém.

Có thể tác động đến nhiều hoạt động lớn

Đáng chú ý, Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng thông tin “sản xuất ở Việt Nam” có thể tác động đến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị chỉ đạo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện; một số quy định pháp luật hiện hành liên quan đến ngành Y tế… Hoặc tác động đến việc triển khai Chỉ thị về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên của cơ quan nhà nước; tác động đến việc đăng ký, xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam…

Kể từ năm 2018 sau khi Bộ Công Thương báo cáo về việc xây dựng quy định sản xuất tại Việt Nam, Bộ Công Thương có nhận được một số văn bản của doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn việc xác định hàng hóa của doanh nghiệp có được phép dán nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hay không, tuy nhiên số doanh nghiệp hỏi là không nhiều (16 doanh nghiệp/5 năm). Đồng thời, sau khi được hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, các doanh nghiệp này không có phản ánh về việc gặp khó khăn hay vướng mắc trong quá trình thực hiện và cũng không có thắc mắc thêm.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những vấn đề vướng mắc về thẩm quyền ban hành Thông tư và xem xét ban hành văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Thông tư, theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, tại một thời điểm thích hợp để hạn chế thấp nhất tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đọc thêm