Góc khuất của 'ca sĩ hội chợ'

(PLO) - Không chỉ các ca sĩ chưa mấy thành danh mà ngay cả các ca sĩ “chúa biết mặt, vua biết tên” đều “kinh qua” sân khấu hội chợ. Tại sân khấu ngoài trời sức chứa hàng ngàn tới chục ngàn người, những người cầm mic đều nếm trải những vui buồn, đắng cay.
Vui buồn ca sĩ hát tại hội chợ.

Vui vì khán giả “cháy” hết mình

Theo người trong nghề, hội chợ ca nhạc là hoạt động giải trí đặc thù ở các tỉnh, huyện, xã. Show hội chợ được chia thành 2 loại: loại có đầu tư hoành tráng tổ chức tại các tỉnh lớn thì mời những “ngôi sao showbiz” như: Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Phi Nhung, Ngọc Sơn… Còn loại đầu tư sơ sài hơn được tổ chức tại những vùng quê với mức thu nhập dân cư bình dân thì mời “ngôi sao hội chợ”.

Với mức vé từ 20-100 nghìn đồng/người, rất nhiều người dân thu nhập trung bình đều có thể vào thưởng thức nghệ thuật. Bởi vậy, một show hội chợ, bầu sô thu hút hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người vào xem chủ yếu là khán giả trẻ.

Tại đây, âm thanh sôi động, giật đùng đùng, những ca sĩ biết khuấy động không khí, sẵn sàng giao lưu sẽ “ăn” khán giả. Ít khi có cơ hội gặp gỡ trực tiếp thần tượng hay ca sĩ nên khi được gặp, khán giả cổ vũ hết mình. Với những show hội chợ bình dân, hàng ngàn khán giả sẵn sàng đứng hoặc kê dép ngồi dầm mưa xem ca sĩ biểu diễn. Họ sẵn sàng hò reo, hô tên ca sĩ yêu thích một cách thoải mái, hồn nhiên. Không những vậy, khán giả còn chạy ùa lên sân khấu hội chợ để cùng hát nhảy cùng thần tượng, ca sĩ yêu quý của mình.

Tại những sân khấu này, ca sĩ dường như được tiếp lửa, biểu diễn sung hơn. Có khán giả sợ ca sĩ đói còn dúi nắm xôi, ổ bánh mì, nước khoáng cho ca sĩ. Đó chính là niềm vui của ca sĩ đi hát hội chợ mà những sân khấu ca nhạc sang trọng ít có được. “Đi hát hội chợ vui kinh khủng vì khán giả lúc nào cũng đông nghẹt và cổ vũ nhiệt tình, dễ thương. Ca sĩ lẫn khán giả cảm thấy rất gần gũi” - ca sĩ Mỹ Tâm hào hứng.

Ngoài niềm vui khán giả nhiệt tình, các ca sĩ hạng A hay hạng C đều có thể gia nhập “đội sao hội chợ”. Bởi từ lâu họ đã găm trong đầu “kim chỉ nam: “Diễn thành phố kiếm tiếng, diễn tỉnh kiếm tiền”. Quả vậy, dù chỉ mỗi vé vài chục nghìn đồng nhưng với hàng ngàn người đến xem với chi phí sân khấu tối giản đã đưa lại cho bầu sô khoản tiền lớn. Khoản tiền ấy, bầu sô chi trả cho các ca sĩ hát. Ca sĩ hát hội chợ chia ra nhiều hạng A, B, C, D. Ví như hạng A: catxe dao động từ 50 triệu đến hơn 100 triệu đồng, hạng B - C là 5-30 triệu còn hạng D từ vài trăm nghìn đồng tới 2-3 triệu đồng.

Nếu như các chương trình ca nhạc hoành tráng đầu tư vài tỉ đồng ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ vài chục show một năm thì ở show hội chợ diễn ra quanh năm. Nếu chạy sô chăm chỉ, nhiều ca sĩ không phải hạng A mà chỉ chuyên đi hát hội chợ cũng có thể dễ dàng sắm nhà, sắm xe như: Lê Bảo Bình, Lâm Chấn Huy, Châu Khải Phong, Du Thiên, Bằng Cường, Khánh Phương, Huy Cường, Thu Trang…

1001… “tai nạn” nghề nghiệp

Đi kèm với niềm vui, dĩ nhiên, nhiều ca sĩ cũng phải đối mặt với những tình huống bi hài diễn ra tại show hội chợ. Hát tại hội chợ, khán giả đại trà. Có khán giả người nồng nặc mùi rượu, khật khưỡng lên sân khấu giật mic hát tranh, quậy phá với ca sĩ. Nam ca sĩ Châu Gia Kiệt không khỏi rùng mình nhớ lại những lần đi diễn ở khu vực miền Trung, có những điểm vừa bước đến thì đã thấy sân khấu bị phá sập hết, âm thanh ánh sáng cũng hỏng, chỉ còn dàn dỡ xập xệ. Hỏi ra thì mới biết có mấy thanh niên say xỉn kéo đến quậy phá, chọi đá lên sân khấu ca sĩ đang hát. 

Có không ít bầu sô tiết kiệm chi phí nên đầu tư sân khấu sơ sài dẫn tới không đủ điều kiện cho ca sĩ biểu diễn. Một số nghệ sĩ chỉ ngồi tạm trên vài chiếc ghế nhựa sát cầu thang để đợi đến lượt mình lên diễn. Tại “cánh gà”, không có phần ngăn cách riêng hay bảo vệ để đảm bảo an toàn cho ca sĩ biểu diễn. Ca sĩ Thu H (Yên Bái) vẫn chưa hết sợ hãi khi kể chuyện mình đang biểu diễn sung bỗng sân khâu rung lắc và sập. Cô ngã nhào xuống. Vừa bị sái chân, Thu H lại đối mặt với những bàn tay sàm sỡ. Một số khán giả đã nhào lên sân khấu tranh thủ sờ, nắn người cô trước khi họ kéo cô dậy. 

Việc bị sàm sỡ không có gì là lạ với những ca sĩ đi hát ở show hội chợ. Đông Nhi, Bảo Thi… được phen hoảng hồn trong một lần đi diễn tỉnh. Khi đang biểu diễn, hai ca sĩ ấy bị khán giả lao lên sân khấu ôm chặt, sàm sỡ, hay lợi dụng xin chữ ký để sờ soạng. Nữ ca sĩ Cẩm Ly cũng gặp phải phen “kinh hồn bạt vía” khi khán giả lên tặng quà nhưng hóa ra lại quăng rắn vào người cô. Trong khi thần tượng sợ hãi xanh mặt thì nhóm người ngồi dưới lại cười vang đắc ý.

Các ca sĩ nam cũng “chịu trận” khi trong lúc ra xe bị một số khán giả vây kín, sờ soạng và lợi dụng đám đông móc túi lấy ví tiền, lấy điện thoại, hành hung. Vì an ninh nơi tổ chức show hội chợ có phần lỏng lẻo hơn những điểm ca nhạc khác nên không ít atifan lợi dụng để hành hung ca sĩ.  Trường hợp của Sơn Tùng M-TP là ví dụ. Trong một show diễn tại tỉnh Bắc Giang tháng 7/2017 khi bị một nam thanh niên ném vật lạ khi đang tiến sát hàng rào chắn giao lưu cùng khán giả. Quá bất ngờ trước hành động bộc phát của fan cuồng, giọng ca sinh năm 1994 cúi xuống nhặt đồ mang vào cánh gà, sau đó lặng lẽ ra về khi kết thúc màn biểu diễn. Nam ca sĩ Du Thiên đã bị khán giả giấu mặt ném đá lên sân khấu. 

Ca sĩ Châu Gia Kiệt từng tâm sự: “Ca sĩ rất sợ lạc đường trễ show, tới nơi một giờ khuya thì khán giả về hết trơn. Ca sĩ gặp sự cố không đến được lại khiến khán giả nghĩ bầu show quảng cáo không đúng, lừa gạt khán giả. Có trường hợp họ quậy cả đoàn diễn lên. Bây giờ có bản đồ còn dễ, chứ ngày trước chưa có Google Map nữa là chạy vô huyện vô xã này nọ, tỉnh này qua tỉnh kia bị lạc lung tung mấy tiếng đồng hồ là bình thường luôn. Có lần anh đi diễn ở tuốt trên Gia Lai, nghe nói có một ca sĩ kia bị lạc tới biên giới bên Lào luôn. Chưa kể đi diễn đường khuya gặp những thanh niên phức tạp lắm, có lần tự nhiên đang đi thì bị ném đá trong lề ra, móp cả xe.

Hơn 10 năm đi hát đến nay, ca sĩ chuyên hát hội chợ - Vũ Duy Khánh cũng đã phải thay kính ô tô đến 4 lần vì bị vỡ kính do khán giả ném đá.

Việc bị bầu sô bùng tiền hay bị đánh là chuyện không hiếm. Câu chuyện ca sĩ Lưu Chí Vỹ đi diễn ở hội chợ, bị bầu show chửi mắng thậm tệ, khán giả té nước, cầm gậy đuổi đánh vì đi muộn mới thấy những đắng cay của nghề.

Đọc thêm