Khi đó, nhà vô địch người Hàn Quốc còn quá nhỏ để biết tình dục là gì. Nhưng cô biết khiếp sợ những mệnh lệnh lặp đi lặp lại yêu cầu cô đến phòng của người đàn ông ở trung tâm huấn luyện, cô cảm nhận được nỗi đau và sự tủi hổ.
Huấn luyện viên là “vua”
"Phải mất nhiều năm tôi mới nhận ra rằng đó là hiếp dâm", Kim nói. "Ông ta hãm hiếp tôi trong suốt hai năm... ông ta bảo đó là bí mật giữa ông ta và tôi".
Giờ đây ở tuổi 27, Kim lần đầu tiên kể câu chuyện của mình với truyền thông quốc tế, khước từ quyền giữ bí mật danh tính để tiết lộ việc các vận động viên nữ ở Hàn Quốc đã âm thầm chịu đựng khi bị các huấn luyện viên lạm dụng tình dục như thế nào.
Hàn Quốc nổi tiếng với sức mạnh công nghệ và những ngôi sao K-pop, nhưng cũng là cường quốc thể thao trong khu vực và là nước châu Á duy nhất ngoài Nhật Bản từng tổ chức cả thế vận hội mùa hè và mùa đông.
Mặc dù có diện tích và dân số không nhiều, Hàn Quốc thường xuyên nằm trong top 10 bảng xếp hạng huy chương ở cả 2 thế vận hội, và chiếm ưu thế toàn cầu trong các môn bắn cung, taekwondo và trượt băng tốc độ quãng ngắn, đồng thời đứng đầu trong bảng xếp hạng golf nữ thế giới.
Tuy nhiên, đây vẫn là một hệ thống phân cấp và nam giới thống trị nhiều khía cạnh, nơi các mối quan hệ cá nhân có thể quan trọng hầu như ngang bằng những màn trình diễn nếu muốn có được sự nghiệp thành công.
Trong một xã hội cạnh tranh cao, nơi chiến thắng là mọi thứ, nhiều vận động viên trẻ bỏ học hoặc sống xa gia đình để tập luyện cùng đồng đội và huấn luyện viên toàn thời gian, sống trong một môi trường giống như ký túc xá trong nhiều năm.
Hệ thống trung tâm huấn luyện được công nhận góp phần giúp Hàn Quốc vươn cao trên bản đồ thể thao toàn cầu. Song các trung tâm tâm huấn luyện cũng bị cho là môi trường cho tình trạng lạm dụng tình dục nảy sinh trong một số môn thể thao, đặc biệt là với các vận động viên mà cuộc sống của họ bị các huấn luyện viên kiểm soát.
"Huấn luyện viên là vua trong thế giới của tôi, quyết định mọi thứ liên quan đến cuộc sống hàng ngày của tôi từ cách tập luyện cho đến việc ngủ khi nào hay ăn thứ gì", Kim nói.
Người huấn luyện viên cuối cùng đã bị sa thải sau khi một số phụ huynh phàn nàn về "hành vi đáng ngờ" của ông ta, nhưng chỉ đơn giản là chuyển đến một trường khác mà không có điều tra hình sự.
Nhắm mắt làm ngơ
Nhiều nạn nhân bị buộc phải im lặng trong một thế giới mà việc công khai thường đồng nghĩa với việc khai tử mọi tham vọng trở thành ngôi sao.
"Đây là một cộng đồng mà những người nói ra sự thật bị tẩy chay, bị hà hiếp, bị xem là 'kẻ phản bội', hay người đã làm xấu mặt thể thao", Chung Yong Chul, giáo sư tâm lý học thể thao tại Đại học Sogang ở Seoul, cho biết.
Một cuộc khảo sát năm 2014 do Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc ủy nhiệm cho thấy khoảng một trong bảy vận động viên nữ bị lạm dụng tình dục trong năm trước đó, nhưng 70% trong số họ không tìm kiếm sự giúp đỡ dưới bất kỳ hình thức nào.
|
Kim Eun Hee giờ đã giải nghệ, tìm niềm vui trong việc dạy quần vợt cho trẻ em |
"Cha mẹ của nhiều nạn nhân vị thành niên từ bỏ kiện cáo sau khi một quan chức thể thao, thường là bạn của kẻ lạm dụng, nói với họ “Anh chị có muốn nhìn thấy tương lai của con mình bị phá hủy?”", Chung Hee Joon, một nhà bình luận thể thao, chia sẻ. Ông cũng cho biết cùng lúc các tổ chức thể thao thường cố che đậy hành vi sai trái, chỉ đơn thuần là chuyển người vi phạm đến một tổ chức mới.
"Các hiệp hội thể thao nhắm mắt làm ngơ miễn là những kẻ lạm dụng tình dục có thể tạo ra các vận động viên trình độ cao trong cuộc rượt đuổi huy chương mù quáng - và việc họ bị lạm dụng tình dục được coi là một cái giá nhỏ, không đáng kể trong quá trình này", ông Chung nói.
Năm 2015, một cựu quán quân Olympics trượt băng tốc độ quãng ngắn chỉ bị phạt vì liên tục sờ mó các vận động trượt băng nữ thuộc đội tuyển thành phố Hwaseong mà anh ta đang huấn luyện, cũng như quấy rối tình dục một vận động viên 11 tuổi.
Lạm dụng đôi khi có thể là đánh đập, chứ không phải là tình dục. Mới đây, Shim Suk Hee, một vận động viên trượt băng nổi tiếng từng giành bốn huy chương Olympics, bao gồm huy chương vàng nội dung tiếp sức tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, tố cáo huấn luyện viên đấm và đá cô hàng chục lần, khiến cô cần điều trị y tế một tháng.
Cho Jae Beom thừa nhận với cảnh sát rằng anh ta đã đánh Shim và những vận động viên trượt băng trong đội tuyển quốc gia tại trung tâm huấn luyện để "cải thiện thành tích của họ".
Không chấp nhận “đánh đổi mọi thứ”
Kim từng giành huy chương đồng tại giải quốc gia Hàn Quốc nhưng luôn luôn cảm thấy kinh sợ khi nghe tiếng thở hổn hển trên sân thi đấu, âm thanh khiến cô nhớ lại những lần cô bị cưỡng hiếp.
Mặc dù vậy, cô vẫn tiếp tục chơi quần vợt và gặp lại người đàn ông đó tại một giải đấu cách đây hai năm. Những sang chấn, những cơn các mộng thời niên thiếu khi cô thường xuyên mơ thấy ông ta đang cố giết cô lại quay về. "Tôi đã rất sợ khi thấy rằng kẻ hiếp dâm tôi vẫn huấn luyện các vận động viên quần vợt trẻ trong hơn một thập kỷ như thể chẳng có gì xảy ra cả", cô nói. "Tôi tự nhủ “Tôi sẽ không cho ông ta cơ hội nào để lạm dụng các bé gái nữa”".
Cô đã đệ đơn, và sau đó đối tượng bị truy tố. Bốn người bạn của cô làm chứng về những hành vi lạm dụng của ông ta mà họ đã phải chịu đựng và Kim đã tự đứng lên. Cô đã đứng ngay bên ngoài tòa án vào tháng 10 để nghe thủ phạm bị kết án hiếp dâm gây chấn thương và bị tuyên 10 năm tù. "Tôi cứ thế mà khóc, vượt qua tất cả những cảm xúc này, từ buồn đau đến hạnh phúc", cô nói.
Bây giờ đã giải nghệ, Kim dạy quần vợt cho trẻ em tại một phòng tập thể dục trong thành phố. "Việc nhìn thấy chúng cười và thích chơi tennis đã chữa lành những tổn thương trong tôi", cô nói. "Tôi muốn chúng trở thành những vận động viên hạnh phúc, không giống như tôi. Việc giành huy chương Olympics và trở thành ngôi sao thể thao có nghĩa lý gì nếu bạn liên tục bị đánh đập và bị lạm dụng mới có được?".