Xăm mình không phải là trào lưu mới, trên thế giới xăm mình là môn nghệ thuật lâu đời xuất phát từ các bộ tộc xa xưa của nhiều nước. Ở Việt Nam, xăm mình phát triển mạnh vào thời nhà Trần. Thời đó những người xăm mình đều là những chiến binh dũng cảm, gan dạ. Theo thời gian, xăm mình tồn tại và phát triển giữa những ánh nhìn tiêu cực của xã hội, thú chơi này cũng có lúc thăng, lúc trầm. Vào những năm 80, xăm mình được coi là “giang hồ”, thường bị mọi người kì thị, chê bai. Đến những năm gần đây, xăm mình mới thực sự được đón nhận và trở thành trào lưu trong giới trẻ.
Giờ đây không khó để bắt gặp các bạn trẻ với hình xăm đủ hình thù, màu sắc trên cơ thể. Nếu trước kia chủ yếu là đàn ông xăm hình thì giờ đây phụ nữ cũng đến xăm mình khá nhiều với hoạt tiết nhẹ nhàng hơn như ngôi sao, cánh bướm, cánh hoa… Hình xăm thường được “toạ độ” ở những vị trí dễ thấy trên cơ thể như cổ tay, cánh tay, lưng, cổ,… hay những chỗ kín đáo hơn như ngực, gáy, bụng. Các loại hình xăm mình ngày nay ngoài xăm mực xanh đen cổ điển còn có xăm sữa, xăm phản quang, xăm 3D hay phun màu.
Phương Anh, một thợ xăm lâu năm làm tại Hà Nội nói, mỗi người đến xăm đều có lí do riêng, có người xăm chơi, xăm cho vui, xăm kỉ niệm… hay xăm đổi vận cũng có. Nhiều bạn trẻ xăm những hình ảnh, câu nói thể hiện lý tưởng, biểu tượng sống mà họ theo đuổi như để nhắc nhở bản thân sẽ làm được.
Nhiều bạn xăm mình vì tính thẩm mỹ, xăm để che đi những khuyết điểm của bản thân, những vết sẹo, vết bỏng hay xăm để thấy đẹp hơn. Bạn M.T (22 tuổi, Vĩnh Phúc) thì có hình xăm 3D cả gia đình kín lưng, mặc cho những cái nhìn tò mò, dòm ngó hay những lời dị nghị, bạn vẫn rất tự hào về hình xăm của mình.
M.T tâm sự: “Gia đình mình có ba người, không may bố mình bị tai nạn giao thông nên đã mất, giờ chỉ còn có hai mẹ con nương tựa lẫn nhau, mình đã thành trụ cột gia đình từ khi 18 tuổi. Mình xăm hình ảnh gia đình lên lưng để lưu giữ mãi hình ảnh gia đình khi còn đầy đủ cả bố lẫn mẹ”.
Khi hỏi xăm kín lưng như vậy có đau không, M.T trả lời: “Không đau đâu, những cơn đau của kim xăm không là gì so với nỗi đau mất người thân”. Và như thế, với nhiều người hình xăm không phải thú chơi “ngông”, không phải để ra vẻ dân chơi, không phải xăm theo trào lưu. Mà sau mỗi hình xăm của họ đều có những câu chuyện riêng, những nỗi buồn, niềm vui sâu kín, mà chỉ bản thân họ mới hiểu được.
Bên cạnh những lí do trên, còn vô số câu chuyện bi hài xung quanh những hình xăm. Nhiều bạn trẻ chỉ vì hình xăm trên cơ thể mà đã mất đi nhiều cơ hội cả về sự nghiệp và tình cảm. Câu chuyện của bạn H.T (21 tuổi, Hà Nội), bạn kể về sự hối hận của mình khi xăm ngày kỉ niệm tình yêu của bạn và người yêu trên cổ để đến giờ khi chia tay đường ai nấy đi thì hình xăm vẫn còn ở đó. H.T tâm sự: “Nếu được quay lại thì mình sẽ không bao giờ làm như vậy, đấy là quyết định bồng bột của mình để giờ đây mình hối hận, mình sẽ đi xóa dù biết sẽ để lại sẹo, coi như là bài học trong đời”.
Hay có những bạn trẻ dù mới học cấp 2, cấp 3 nhưng đã thể hiện thú chơi “ngông” của mình khi mà xăm kín người với những hình rồng phượng, hổ báo. Sành điệu, ăn chơi đâu không thấy mà chỉ thấy những cái lắc đầu ngán ngẩm của người lớn cùng với những thầy cô trong trường.
Xăm có nhiều hình thức: xăm truyền thống, xăm tả thực, xăm 3D… Nhưng điểm chung nhất, người nghệ sĩ xăm hình vừa phải có kỹ thuật xăm hình, vừa phải trau dồi vốn kiến thức hội họa như một họa sĩ thực thụ. “Đã xăm mình, là thợ xăm thì càng cần giữ hình ảnh đẹp” - là tôn chỉ trong nghề mà các nghệ sĩ trẻ luôn ghi nhớ. Những hình vẽ đầy nghệ thuật, đẳng cấp và đạo đức nghề nghiệp của các nghệ sĩ trẻ đã dần dẹp tan định kiến tiêu cực về hình xăm. Xã hội dần cởi mở khi có quan niệm: “Nghệ thuật xăm là vẽ lên ước mơ của mọi người. Những nghệ sĩ xăm hình sống bằng chất xám và đôi bàn tay”.