Góc nhìn pháp lý vụ bản thu âm Quốc ca bị đòi bản quyền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo chuyên gia pháp lý, ca khúc “Tiến quân ca” hiện thuộc sở hữu của toàn bộ người dân Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có quyền tài sản với tác phẩm này, trong đó bao gồm quyền làm tác phẩm phái sinh.
Phần hát Quốc ca bị ngắt lời “vì lý do bản quyền”.
Phần hát Quốc ca bị ngắt lời “vì lý do bản quyền”.

Tối 6/12, vào 19h30, trên sân vận động Bishan (Singapore) diễn ra trận đấu giữa Đội tuyển Việt Nam - Lào ở bảng B, AFF Cup 2020. Hàng triệu người hâm mộ bóng đá trong nước đã háo hức dõi theo trận đấu trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, nền tảng số YouTube, mạng xã hội...

Tuy nhiên, trong phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu, khán giả theo dõi trên kênh YouTube bất ngờ không nghe được lời hát Quốc ca với lý do “bản quyền”. Theo đó, trên màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ”.

Nguyên nhân của vụ việc này là do trước đó, trong trận đấu giữa Việt Nam và Arab Saudi diễn ra tối 6/11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT đã không thể kiếm tiền với lý do dùng bản ghi “Tiến quân ca” được sản xuất bởi hãng đĩa nước ngoài Marco Polo. Chính vì e ngại sự việc tương tự xảy ra, nhiều kênh Youtube phát sóng trận đấu ngày 6/12 đã tắt tiếng ở phần lễ chào cờ.

Sự việc này đặt ra câu hỏi: Ai có quyền đối với bản ghi âm của ca khúc “Tiến quân ca”?

Luật sư (LS) Trịnh Thúy Huyền, Giám đốc Công ty Luật Apra cho biết, với mỗi tác phẩm, cần phải phân biệt hai khái niệm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Như vậy, với ca khúc “Tiến quân ca”, quyền tác giả sẽ thuộc về cố nhạc sĩ Văn Cao và khi cố nhạc sĩ mất vào năm 1995, những người thừa kế của ông sẽ có quyền đối với tác phẩm này.

LS Trịnh Thúy Huyền

LS Trịnh Thúy Huyền

Sau này, ca khúc “Tiến quân ca” đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cả phần nhạc và phần lời cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, ca khúc “Tiến quân ca” hiện nay thuộc sở hữu của toàn bộ người dân Việt Nam, bất kỳ ai cũng có quyền tài sản đối với tác phẩm này, trong đó gồm cả quyền làm tác phẩm phái sinh. “Bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có quyền được tạo bản ghi âm của ca khúc “Tiến quân ca”, LS Huyền nói.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”. Như vậy, quyền với bản ghi âm của ca khúc “Tiến quân ca” là quyền liên quan đến quyền tác giả.

Theo Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ về quyền của nhà sản xuất, ghi âm, ghi hình: “Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây: Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình; nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được”. Và “nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng”.

Như vậy, đơn vị sản xuất bản ghi âm ca khúc “Tiến quân ca” là chủ thể duy nhất nắm giữ những quyền theo quy định trên với bản ghi do mình sản xuất. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng bản ghi âm vì mục đích thương mại, hay nói cách khác, sử dụng nhằm sinh lợi nhuận về kinh tế hoặc lợi ích khác đều phải có sự cho phép của đơn vị sản xuất, trừ một số trường hợp sử dụng không phải xin phép, không phải trả tiền quy định tại Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ: “Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân; tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy, trừ trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy; trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin; tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng”.

LS Huyền cho rằng, trong sự việc này, đơn vị sản xuất có thể “đánh bản quyền” nếu các đơn vị tổ chức trận bóng sử dụng bản ghi ca khúc “Tiến quân ca” do họ sản xuất mà không có sự đồng ý. Trong trường hợp các đơn vị tổ chức trận bóng sử dụng bản ghi âm chính thức của ca khúc “Tiến quân ca” được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ thì họ có thể sử dụng miễn phí, không cần phải xin phép.

Đọc thêm