“Người khổng lồ” Google ngày 18/6 đã yêu cầu Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (FISC) nới lỏng các lệnh "bịt miệng" vốn được duy trì từ lâu nay, liên quan đến các yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng mà tòa này ban hành.
Trong văn bản pháp lý đã được đệ trình lên tòa án, Google đã viện dẫn Tu chính án thứ nhất, lập luận rằng công ty này có quyền hợp hiến để nói về các thông tin mà họ đã bị buộc phải cung cấp cho chính phủ. Tu chính án thứ nhất của Mỹ bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do họp hội, và kiến nghị.
|
Google yêu cầu tòa cho phép công khai về các lệnh cung cấp dữ liệu người dùng. |
Đây là động thái mới nhất mà công ty công nghệ có trụ sở tại bang California tiến hành nhằm bảo vệ danh tiếng sau những báo cáo về các chương trình giám sát dữ liệu người dùng internet ở nước ngoài của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Tiết lộ về chương trình giám sát có tên gọi PRISM đã tạo ra những rạn nứt giữa giới chức Mỹ và các công ty liên quan. Các công ty khai thác mạng internet đang cố tìm cách trấn an người dùng trong khi vẫn muốn đảm bảo không vi phạm các quy định nghiêm ngặt về việc tiết lộ thông tin tối mật của chính phủ. Việc đệ trình kiến nghị pháp lý thể giúp Google tạo dựng hình ảnh của họ như một công ty luôn tích cực chống lại các chương trình do thám của chính phủ.
Động thái pháp lý bất thường của Google ngày 18/6 được đưa ra sau nhiều ngày thương thảo giữ giới chức liên bang Mỹ và một vài công ty công nghệ, trong đó có Google, về việc công bố các thông tin trong chương trình theo dõi của chính phủ.
Facebook, Microsoft và Yahoo đã được chính phủ liên bang cho phép cung cấp một phần thông tin về các yêu cầu mà họ đã nhận được từ giới chức cấp liên bang, cấp bang.
Tuy nhiên, Google đã từ chối cách tiếp cận này vì cho rằng nó quá thiếu chính xác để có thể giúp người sử dụng internet hiểu được phạm vi hợp tác giữa công ty này với chương trình giám sát liên bang. “Người dùng Google đang lo ngại về các cáo buộc này. Google cần phải phản hồi các yêu cầu này một cách cụ thể hơn”, Google thông báo.
Trong kiến nghị của mình, Google đệ trình FISC cho phép công ty công bố thông tin về số lệnh yêu cầu cung cấp dữ liệu của chính phủ mà tòa này đã phê chuẩn và việc có bao nhiêu người dùng đã bị ảnh hưởng bởi chương trình giám sát.
Thông thường, chỉ một bộ phận nhỏ các nhân viên của Google được biết về các yêu cầu giám sát do tòa án ban hành. Kể cả khi Google được phép nói về số yêu cầu cung cấp thông tin do FISC ban hành thì những thông tin này được dự đoán sẽ không đưa ra thêm được nhiều thông tin về PRISM.
Trong một diễn biến khác có liên quan đến những chương trình theo dõi điện tử của chính phủ Mỹ, Tướng Keith Alexander – giám đốc NSA – ngày 18/6 nói trước Quốc hội Mỹ rằng những chương trình theo dõi này đã giúp ngăn chặn 50 vụ tấn công kể từ năm 2001.
Theo người lãnh đạo NSA, trong số các kế hoạch tấn công đã bị lật tẩy có âm mưu tấn công nhằm vào Sở Giao dịch Chứng khoán New York.
Minh Ngọc (tổng hợp)