Google tôn vinh “Ngày giỗ tổ nghiệp ca trù” cùng lời nhắn nhủ gìn giữ vốn cổ

(PLVN) - Hôm nay - ngày 23/2/2020 (âm lịch 1/2/2020), Google thay đổi hình ảnh Doodle do nghệ sĩ đồ họa Xuân Lê (sống tại thành phố Hồ Chí Minh) thiết kế hình ảnh về ca trù để ghi nhớ Ngày tưởng niệm người sáng lập ca trù (Giỗ tổ nghiệp Ca Trù). Đây là lần đầu tiên Google tôn vinh thể loại nhạc truyền thống được yêu thích nhất Việt Nam.

Dữ liệu Google Doodle cho hay, ca trù (còn gọi là Hát nhà trò; Hát cô đầu, là loại hình phối hợp nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc) có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 15. Loại hình nghệ thuật này ban đầu thịnh hành trong cung đình và được giới quý tộc yêu thích; về sau, ca trù tiếp tục phát triển và được biểu diễn tại các không gian văn hóa ở thủ đô Hà Nội ngày nay cũng như nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam.

Một đoàn biểu diễn ca trù có ít nhất 3 người, trong đó có nữ ca sĩ hát nói (ca nương) và gõ phách lấy nhịp; hai nhạc công còn lại (gọi là kép và quan viên) chơi các nhạc cụ truyền thống như đàn đáy và trống chầu, có thể phụ họa theo tiếng hát của ca nương.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, trong âm nhạc và ca xướng truyền thống Việt Nam, ca trù chiếm một vị trí đặc biệt. Nó không giống dân ca, hoàn toàn không có nhạc đệm và căn bản không ghi ký âm, mà được hoàn bị về âm luật, nhạc cụ, diễn xướng, bài ca và giáo phường. Cho nên người ta gọi ca trù là thể loại âm nhạc cung đình, mang tính giải trí, bên cạnh dàn nhã nhạc dùng cho tế lễ và các nghi thức quan trọng.

 Năm 2009, UNESCO đã ghi danh ca trù là Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

Năm 2009, UNESCO đã ghi danh ca trù là Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Việc Google tôn vinh Ngày giỗ tổ nghiệp ca trù trên trang chủ Google.com.vn có mục đích gửi gắm đến thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, tiếp tục yêu mến và duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống của người Việt, bởi các nghệ nhân ca trù ngày nay đang dần vắng bóng.

Trước đó, năm 2019 và đầu năm 2020, Google lần đầu tiên vinh danh các tên tuổi, loại hình nghệ thuật và địa điểm của Việt Nam, trong đó phải kể đến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, thể loại ca trù và hình ảnh Hội An...

Đọc thêm