Góp gạo thổi cơm chung - có nên?

Cuộc đời không phải là canh bạc để “được ăn cả ngã về không”. Nếu chẳng may gặp phải mấy chàng "đào mỏ", tim đã khắc chữ "tiền", thì dù có chút thua thiệt cũng chẳng nên buồn nhiều... Hãy cứ coi như một khoản “phí” để đổi lấy “chứng chỉ tiền hôn nhân”.

 Hiện tượng nam nữ yêu nhau, xác định đi đến hôn nhân nên đã có sự gắn bó, chung chi về tiền bạc, tài sản có lẽ thời nào cũng có, chỉ khác về hình thức và mức độ. Và đương nhiên, cũng như mọi vấn đề, có hai mặt tích cực và tiêu cực.

Trao tình và tiền

“Dì ơi, con bị lừa rồi! Hu hu hu...”.

Đó là mở đầu câu chuyện của đứa cháu người bạn thân với tôi hồi tháng trước. Cháu gọi điện xin được “cầu cứu” về việc mà sau này cháu đã hài hước gọi là “đầu tư không đúng hướng”. Sau khi đã trút được kha khá nước mắt, cháu bình tĩnh kể:

Cháu yêu một anh chàng lớn hơn mình 3 tuổi, có vẻ hiền lành, chững chạc được hai năm. Anh ta từng đưa cháu về ra mắt gia đình, mọi người bên đó cũng rất ưng cháu. Hai đứa đã tính đến việc làm đám cưới vào cuối năm sau khi cháu hoàn thành chương trình cao học. Vì thế, từ lâu các cháu đã có nhiều cái chung: chung tiền chi tiêu, mua sắm, tài sản, vật dụng: xe máy, máy tính và một ít cổ phiếu...

Tuy mới đi làm mấy năm và còn đang học tiếp nhưng là một cô gái có năng lực, lại chịu khó nên cháu đã dành được số vốn kha khá. Là người giàu tình cảm, nhiệt tình, cháu đã tin tưởng và giao hết cho anh ta quản lý, chi dùng với quan niệm: Trong tình yêu thì không còn “của anh” - “của em” nữa, chỉ còn “chúng ta”.

Thế rồi dịp Tết vừa qua, anh ta gặp lại người yêu cũ sau nhiều năm bặt tăm tích. Họ tái hợp. Cháu cũng biết mối tình này từ trước và chính anh ta khi đến với cháu cũng đã thề thốt đủ đường. Thế nhưng khi quay lại với cô kia, lúc đầu anh ta còn giấu giếm, chơi trò bắt cá hai tay. Đến khi chính cháu lật tẩy thì anh ta đánh bài chuồn.

Không ít lần cháu tận mắt thấy anh ta chở cô kia đi chơi bằng chiếc xe mua bằng tiền của cháu, cho cô ta đội chiếc mũ, đeo đôi kính do chính cháu mua. Thậm chí, hiện giờ cô ta còn đang ở ngay trong căn phòng cháu thuê cho anh ta nữa. “Cháu đau lắm dì ạ. Tiền bạc, tài sản, những thứ chung cho thì cháu không màng. Cháu tin mình có khả năng làm ra gấp trăm, gấp ngàn lần như thế nhưng cháu đau vì lòng người. Sao anh ta lại có thể đối xử với cháu như vậy?”.

Chuyện của người cháu đó còn chưa đến nỗi nào. Mới đây, một cô gái gọi điện từ Đà Lạt vào xin tư vấn giữa đêm khuya, cũng khóc nức nở. Em nói rằng tài sản em có được sau gần chục năm làm du lịch và cả công ty của em - “đứa con” em đã dành bao tâm huyết và sức lực để “nuôi lớn” được như ngày hôm nay đang có nguy cơ về tay người khác, mà “người khác” đó lại là chính là vị... cựu hôn phu.

Yêu nhau 6-7 năm, em đã tin tưởng, trao cho anh ta tất cả, từ trái tim đến... túi tiền. Giờ đây, vì lý do “không hợp, không còn cảm xúc như xưa”, anh ta sắp “lên thuyền” với một người khác. Em không thể kiện ra tòa để đòi được cái gì vì chẳng có giấy tờ, bằng chứng. Tất cả đều đứng tên anh ta. Em bảo: Thế là bao nhiêu năm qua, tình yêu, sự nghiệp mà em hằng gom góp giờ biến thành... bão, thành gió độc quay lại cuốn phăng của em tất cả.

Cuộc đời không phải canh bạc...

Hiện tượng nam nữ yêu nhau, xác định đi đến hôn nhân nên đã có sự gắn bó, chung chi về tiền bạc, tài sản có lẽ thời nào cũng có, chỉ khác về hình thức và mức độ. Cũng như mọi vấn đề đều có tính hai mặt. Mặt tích cực ở đây là giúp cho sự tìm hiểu được kỹ càng, sâu sát hơn.

Song, bên cạnh những mối lợi kể trên thì nguy cơ bất lợi lúc nào cũng tiềm ẩn, mà câu chuyện của hai cô gái kể trên không hề hy hữu. Thậm chí đã có những cuộc tranh giành tài sản khi chia tay. Vì không thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, do thiếu căn cứ, họ đã... tự xử lý hoặc thuê mướn băng nhóm. Làm cho nhiều người đang từ chỗ là nạn nhân được thông cảm của sự vụ lợi, lừa đảo tiền- tình, lại trở thành hung thủ, thủ phạm đáng lên án của những vụ bạo hành, gây thương tích, ảnh hưởng đến tính mạng và mất tất cả.

Thế nên, “chung” hay “riêng”, đó là quyền tự do, ý thích và tùy hoàn cảnh của mỗi “tân nương” và “tân lang” tương lai. Chỉ có điều, như ai đó đã nói: hôn nhân - ở một khía cạnh nhất định, cũng như một sự đầu tư, một sự góp vốn. Vậy “góp” thế nào, “góp” bao nhiêu, “tiến độ” ra sao? “Ứng trước” khi mới nhìn thấy “tiềm năng” hay phải chờ “hợp đồng” chắc chắn? Tất cả đều phải có một sự tìm hiểu, điều nghiên kĩ càng, thận trọng. Giống như ông bà ta đã nói: “Trông giờ mà bỏ cá”. Còn nếu muốn cẩn thận hơn thì cứ “thương nhau rào dậu cho kĩ” đã.

Cuộc đời không phải là canh bạc để “được ăn cả ngã về không”. Nếu chẳng may gặp phải mấy chàng "đào mỏ", tim đã khắc chữ "tiền", thì dù có chút thua thiệt cũng chẳng nên buồn nhiều. Nông nổi, cực đoan, cay cú sẽ làm chính mình thiệt hơn. Hãy cứ coi như một khoản “phí” để đổi lấy “chứng chỉ tiền hôn nhân”.

T.L.

Đọc thêm