Bất cứ doanh nghiệp nào muốn cạnh tranh thắng lợi trên thương trường đều luôn chú ý vấn đề xây dựng thương hiệu. Có điều, xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ đâu và như thế nào? Đối với thành phố Đà Nẵng cũng vậy. Ở đây chúng tôi muốn bàn đến chuyện làm gì để góp phần xây dựng thương hiệu Đà Nẵng có sức hút và sức lan tỏa mạnh mẽ.
Đà Nẵng đang tận dụng thế mạnh của mình để phát triển hoạt động dịch vụ, trong đó có du lịch. Khi nói đến du lịch, ta phải nói đến sản phẩm du lịch. Nhưng, sản phẩm du lịch cụ thể là điều không khó với nhiều người, nếu có đầu tư, suy nghĩ. Chắc nhiều người cũng đã từng suy nghĩ và đồng ý với chúng tôi rằng: chất lượng dịch vụ cũng là một loại sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, nếu không muốn nói là tuyệt đối!
Chất lượng dịch vụ bao hàm trong nó sự hợp lý của giá cả dịch vụ. Ổn định giá cả trong lúc cung cầu mất cân đối (chẳng hạn dịp lễ hội) chính là phần tinh túy nhất của chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch. Đà Nẵng có làm được điều này hay không? Khi cầu tăng mà dẫn đến giá cả tăng thì đó là quy luật, không cần phải bàn cãi nhiều. Vấn đề là ở chỗ cầu có khả năng thanh toán hay không? Đành rằng du khách đến với Đà Nẵng trong các dịp lễ hội là có đủ khả năng thanh toán, nhưng thay vì mua 10 sản phẩm (nếu giá cả hợp lý) họ sẽ chỉ mua 1-2 sản phẩm (nếu giá cả tăng cao bất thường). Tính như vậy thì doanh thu của những người tăng giá cũng chẳng được là bao nhiêu.
Ở đây còn một khía cạnh khác quan trọng hơn, đó là lòng tin và sự hài lòng của du khách. Vào mùa lễ hội, mùa du lịch… du khách bị “chặt, chém” là điều đã và đang xảy ra ở nhiều nơi. Đà Nẵng nên làm theo cách khác. Nên ổn định giá cả nói chung để tạo sự thoải mái, hài lòng đối với những người phương xa mến yêu Đà Nẵng, bỏ thời gian đến với Đà Nẵng. Ổn định được giá cả các loại dịch vụ như giữ xe, khách sạn, dịch vụ ăn uống, hàng lưu niệm… trong những dịp lễ hội… sẽ là tiếng lành, vang rất xa không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam.
Những năm gần đây, chính quyền thành phố đã rất chú trọng việc ổn định giá cả dịch vụ nhân các dịp lễ, hội, tuy nhiên kết quả cũng còn khiêm tốn. Vấn đề bây giờ nằm ở chỗ người dân. Mỗi người, mỗi doanh nghiệp nên biết tự kiềm chế mình một chút bằng cách giữ giá bán như ngày thường thì không những bán được số lượng nhiều hơn mà cũng là một cách rất cụ thể để góp phần xây dựng thương hiệu Đà Nẵng trong lòng du khách khắp mọi nơi. Đến khi đã có được thương hiệu thì du khách sẽ đến ngày càng nhiều hơn, lúc đó người hưởng lợi trước tiên chính là nhân dân và các doanh nghiệp tại thành phố chúng ta.
So sánh trong tương quan chung với cả nước, chúng tôi tin tưởng chắc chắn thành phố sẽ có những biện pháp hữu hiệu hơn để đạt được mục tiêu này. Trước hết là công tác tuyên truyền: Cần huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng, mỗi xã, phường, mỗi khu phố nên có một “tư lệnh” phụ trách lĩnh vực này. Thứ hai là tăng cường kiểm tra, giám sát. Thứ ba là xử lý nghiêm minh, rút giấy phép kinh doanh trong một năm chẳng hạn đối với những người cố tình vi phạm…, biểu dương thích đáng những người làm đúng… Với cách làm đồng bộ, kiên quyết, chúng tôi tin tưởng sẽ thành công.
Chương trình “5 không” khó là vậy nhưng nhân dân Đà Nẵng đã góp phần cùng chính quyền đạt được những thành công rực rỡ thì không có lý do gì chuyện hiếu khách, ổn định giá dịch vụ trong những dịp lễ, hội… mà người dân không làm được.
MINH HUY