Hiến pháp là luật cơ bản cần được xây dựng như một văn bản mẫu, là cơ sở để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác. Do vậy, cần phải chú ý nhiều hơn đến kỹ thuật lập hiến, tránh việc dùng các thuật ngữ không thống nhất, gây tranh cãi và khó giải thích về sau này.
Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã có nhiều tiến bộ trong kỹ thuật lập hiến làm cho bản Hiến pháp ngắn gọn hơn, biểu đạt chính xác hơn, tuy nhiên, đọc kỹ chúng ta vẫn thấy còn một số lỗi về mặt kỹ thuật. Xin nêu ra đây một số lỗi sau:
1. Một số thuật ngữ sử dụng không thống nhất
Khoản 3 Điều 8 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, phòng, chống các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật”, còn Điều 51 thì quy định: “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam”.
Câu hỏi đặt ra là vì sao cùng là Hiến pháp và pháp luật nhưng “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành”, còn “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo”. Người nước ngoài ở Điều 51 có nằm trong số “cá nhân” được quy định ở Điều 8 không? và “chấp hành Hiến pháp” thì khác gì so với “tuân theo Hiến pháp”?
Tương tự như vậy, nếu Khoản 2 Điều 75 quy định cho Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội…” thì Khoản 3 và 4 Điều 79 lại quy định cho Ủy ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội… Đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ…”.
Vì sao cũng đều là hoạt động giám sát nhưng Quốc hội thì “giám sát việc tuân theo Hiến pháp”, còn Ủy ban thường vụ Quốc hội thì lại “giám sát việc thi hành Hiến pháp”. Vậy, “tuân theo Hiến pháp” với “thi hành hiến pháp” có gì khác nhau? Vì sao Điều 8 yêu cầu: Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, nhưng Điều 75 và 79 lại không quy định cho Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc chấp hành Hiến pháp mà lại giám sát việc tuân theo và thi hành Hiến pháp?
Trong lý thuyết về điều chỉnh pháp luật thì sau khi ban hành Hiến pháp, pháp luật thì phải tổ chức thực hiện và nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, pháp luật. Thực hiện pháp luật có các hình thức: tuân theo (không được làm những gì mà Hiến pháp, pháp luật cấm); thi hành (buộc phải làm những gì mà Hiến pháp, pháp luật yêu cầu); sử dụng (được làm hoặc không làm những gì mà Hiến pháp, pháp luật cho phép); áp dụng (căn cứ vào các quy định của Hiến pháp, pháp luật để ban hành các quyết định cần thiết theo yêu cầu của Hiến pháp, pháp luật).
Nếu Dự thảo Hiến pháp quy định cơ quan, tổ chức cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành (nhiều người cho rằng chấp hành bao gồm tuân theo và thi hành), thì người dân không có khả năng sử dụng Hiến pháp, pháp luật, còn các cơ quan nhà nước thì không thể áp dụng Hiến pháp, pháp luật. Trong khi để hiện thực hóa các quy định của Hiến pháp, pháp luật thì đòi hỏi phải “tuân theo”, “thi hành” (chấp hành), sử dụng” và thậm chí còn có thể “áp dụng” Hiến pháp, pháp luật. Thông thường trong xây dựng Hiến pháp và luật để thể hiện cùng một loại hoạt động cần sử dụng chỉ một thuật ngữ thống nhất. Do vậy, chúng tôi kiến nghị trong tất cả các trường hợp trên nên sử dụng thống nhất một thuật ngữ là “thực hiện Hiến pháp, pháp luật…” thì mới đầy đủ, chính xác và thống nhất.
Một ví dụ khác: Khoản 1 Điều 75 quy định cho Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật”, còn Khoản 2 Điều 79 lại quy định cho Ủy ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao…”. Vậy, thuật ngữ “làm” (Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp) với thuật ngữ “ra” (Ra pháp lệnh) có gì khác nhau? Sao không sử dụng cùng một thuật ngữ là “ban hành” cho thống nhất khi đều nói về thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Chưa kể là trong thuật ngữ “ban hành” đã bao hàm cả việc xây dựng mới và sửa đổi văn bản, như vậy vừa thống nhất giữa các Điều trong Hiến pháp vừa thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi có những nội dung quy định chưa chính xác hoặc chưa thống nhất
Ví dụ: Khoản 2 Điều 56 quy định: “Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh”. Vấn đề đặt ra là có những hoạt động kinh doanh mang tính độc quyền tự nhiên, khi đó Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền như thế nào?
Điều 47 quy định: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”. Quy định này mâu thuẫn với các quy định trong Bộ luật Hình sự. Bởi nếu phản bội Tổ quốc là tội năng nhất, thì hình phạt với loại tội này phải nghiêm khác nhất. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự không hoàn toàn tiếp cận như vậy.
Khoản 2 Điều 32 quy định: “Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”. Quy định này dễ bị hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Khoản 2 Điều 19 quy định: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”. Ở đây đặt ra là khuyến khích Người Việt Nam định cư ở nước ngoài gắn bó với gia đình, quê hương, nhưng lại góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Quy đinh như vậy tức là không cần phải gắn bó với đất nước và không cần phải góp phần xây dựng gia đình.
Trên đây là một vài ví dụ về sự chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề kỹ thuật lập hiến, rất mong Ban soạn thảo kiểm tra lại để có những chỉnh sửa cho phù hợp hơn.
PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan - Chủ tịch Hội cựu Chiến binh Đại học Luật Hà Nội