Góp ý sửa đổi Luật Phòng, chống ma tuý: Làm tốt chính sách khuyến khích người nghiện tự nguyện cai nghiện

(PLVN) - Trong hai ngày 25 và 26/6 tại TP HCM, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Việc thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma tuý và phòng chống HIV/AIDS”. Tại Hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Phòng, chống ma tuý.
Hội thảo “Việc thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma tuý và phòng chống HIV/AIDS”.
Hội thảo “Việc thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma tuý và phòng chống HIV/AIDS”.

Cân nhắc xử lý vi phạm đối với trẻ em

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Phương – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - cho rằng, xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi là vấn đề cần phải cân nhắc.

Luật phòng, chống ma tuý qui định: Người nghiện ma tuý từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường thị trấn mà vẫn còn cai nghiện hoặc không có nơi cứ trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - phát biểu ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - phát biểu ý kiến.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Phương, việc này cần thận trọng vì chưa phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Mục đích áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục phòng ngừa chứ không phải là trừng phạt. Nếu chú trọng mục đích trừng phạt đối với đối tượng này thì khả năng phục hồi, sữa chữa vi phạm đối với các em là sẽ khó đạt được.

Đối với qui định về xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên, bà Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, theo qui định, đối tượng áp dụng xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Căn cứ các qui định pháp luật nêu trên, có thể thấy, hiện nay, pháp luật có sự qui định khác nhau đối với người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên và từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Để đảm bảo phù hợp và hiệu quả trong thực tiễn thi hành đối với người nghiện đủ 18 tuổi trở lên, bà Nguyễn Thị Minh Phương cho rằng, cần áp dụng theo hướng bỏ qui định phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bảo đảm sự công bằng thống nhất trong chính sách xử lý đối với người nghiện ma tuý mà không có sự phân biệt giữa người nghiện ma tuý có nơi cư trú ổn định và người không có nơi cư trú ổn định.

Cần khuyến khích tư nhân tham gia việc cai nghiện

Ông Cao Văn Thành – Phó Cục Trưởng phụ trách Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội - cho biết: Cả nước có 102 cơ sở cai nghiện ma tuý, trong đó có 97 cơ sở cai nghiện công lập và 15 cơ sở cai nghiện ngoài công lập. Tính đến hết tháng 5/2020, các cơ sở ma tuý trên cả nước đã điều trị cai nghiện cho 53.335 người (giảm 5.858 người so với cùng kỳ 2019), tái hoà nhập cộng đồng là 13.480 người.

Các đại biểu thảo luận trong giờ giải lao.
Các đại biểu thảo luận trong giờ giải lao.

 Việc quản lý sau cai tại cơ sở quản lý tập trung gần như không thực hiện ở 63 tỉnh, thành phố, trong khi, số người nghiện ma tuý và số chất ma tuý, đặc biệt là chất hướng thần tăng nhanh qua từng năm, gây khó khăn, tạo sức ép rất lớn đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

Thêm vào đó, theo ông Cao Văn Thành, các qui định của pháp luật hiện hành về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng không phù hợp thực tiễn, thiếu khả thi. Các qui định của pháp luật về đối tượng, trình tự, thủ tục, hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc chồng chéo, phức tạp; thời gian cai nghiện bắt buộc qui định cứng nhắc, các chính sách hỗ trợ cai nghiện không hiệu quả.

Từ những khó khan bất cập trên, ông Cao Văn Thành cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma tuý lần này cần phải có chính sách khuyến khích cả nhà nước, tư nhân tham gia vào công tác cai nghiện ma tuý, khuyến khích người nghiện tự nguyện cai nghiện.

Ông Cao Văn Thành cho biết, về hình thức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng cần qui định theo nguyên tắc: Việc thực hiện cai nghiện phải do cơ quan chuyên môn thực hiện (bao gồm tư vấn cai nghiện, hỗ trợ phục hồi bằng các dịch vụ y tế xã hội…), với sự tham gia phối hợp của gia đình, các tổ chức xã hội tại cộng đồng dân cư.

Nên giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng và đảm bảo các điều kiện chuyên môn về cai nghiện ma tuý theo các điều kiện, tiêu chuẩn do các Bộ ngành qui định.

Về đối tượng, trình tự thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc thì biện pháp cai nghiện ma tuý bắt buộc áp dụng với người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên trong các trường hợp sau: Người đã bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc mà vẫn có hành vi sử dụng ma tuý; người đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý mà vẫn còn nghiện; người chưa xác định được nơi cư trú.

Về chính sách hỗ trợ xã hội sau cai nghiện và phòng chống tái nghiện nên bỏ biện pháp quản lý sau cai nghiện tập trung tại các cơ sở quản lý sau cai nghiện và giao cho UBND cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện trên cơ sở các chính sách, dịch vụ do Chính phủ qui định... 

Đại diện Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội nêu ý kiến.
Đại diện Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội nêu ý kiến.

 Thượng tá Ngô Thanh Bình – Phó Cục Trưởng Cục cảnh sát Điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma tuý - cho hay: “Xuất phát từ yêu cầu phòng chống ma tuý, thời gian qua, chúng tôi đã thông qua 3 chính sách về phòng chống ma tuý bao gồm Quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý; Xây dựng cơ chế chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hoá công tác cai nghiện tự nguyện; Xây dựng quy định về phòng, chống ma tuý đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật”.

Trên cơ sở chính sách đã thông qua, Cục cảnh sát ĐTTP về ma tuý đã tham mưu cho Ban soạn thảo tiến hành xây dựng dự thảo Luật phòng, chống ma tuý sửa đổi, trong đó tập trung vào một số nội dung mới như bổ sung quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý. Đây là một nội dung hoàn toàn mới do thực trạng sử dụng trái phép chất ma tuý thời gian qua diễn biến phức tạp; nhiều đối tượng sử dụng ma tuý ngáo đá gây ra nhiều vụ thảm án làm phức tạp tình hình an ninh trật tự.

Cụ thể, từ năm 2014 – 2019, cả nước đã xảy ra 41 vụ 42 đối tượng với 65 nạn nhân bị giết trong các vụ thảm án do đối tượng ngáo đá gây ra. Có 5.177 vụ, 32.535 đối tượng sử dụng ma tuý tại các vũ trường, quán bar, karaoke; có 7527 vụ, 18.464 đối tượng sử dụng tái phép chất ma tuý người nghiện ma tuý thực hiện hành vi phạm tội hình sự như cướp của, giết người, hiếp dâm, trộm cắp…

Cũng theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, điểm mới thứ hai là sửa đổi các nội dung liên quan đến công tác cai nghiện. Bỏ hình thức quản lý sau cai. Qui định rõ việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đủ 18 tuổi trở lên theo hướng ưu tiên cho việc chữa bệnh, cho thời gian cai nghiện thay vì đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc... Bên cạnh đó dự thảo cũng rà soát các qui định, đảm bảo tính thống nhất với các Bộ Luật và Luật khác, tăng thẩm quyền cho lực lượng chuyên trách phòng chống ma tuý của Bộ đội biên phòng, Hải quan, cảnh sát biển.

 

Đọc thêm