Góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội

(PLVN) - Chiều 10/8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật tổ chức Hội thảo góp ý về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa: NLĐ).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã trình QH Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với số lượng điều sửa đổi, bổ sung lớn, phạm vi sửa đổi toàn diện các nhóm chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà ở, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc QH xem xét cho ý kiến đồng bộ Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cùng với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới là cơ hội để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của các quy định và sự vận hành thông suốt khi luật có hiệu lực thi hành. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm góp ý trực tiếp vào Dự thảo Luật đã chỉnh lý một bước sau kỳ họp QH.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày các tham luận và cho ý kiến, bình luận chuyên sâu về các quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở, các chính sách mới về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, quy định về nhà ở xã hội (NƠXH) và một số nội dung khác của Dự thảo Luật.

Trong đó, liên quan đến các quy định về NƠXH, một số ý kiến đề xuất sửa đổi quy định về đối tượng hưởng chính sách về NƠXH theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập… Về vay vốn ưu đãi, do khả năng chi trả thực của người có thu nhập thấp rất hạn chế nên cần có những chính sách hỗ trợ về tín dụng hiệu quả hơn nữa để có thể tăng khả năng thanh khoản cho phân khúc nhà ở mang tính chiến lược quốc gia này.

Liên quan đến quy định về thế chấp nhà ở tại Dự thảo Luật, các ý kiến chỉ ra rằng Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ cho phép tổ chức kinh tế thế chấp nhà ở cho các tổ chức tín dụng. Ngược lại, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép tổ chức kinh tế ngoài thế chấp đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất cho tổ chức tín dụng hoặc cho các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân khác.

Theo ý kiến này, quy định trên trong 2 Dự thảo Luật nếu được thông qua sẽ phát sinh trường hợp các tổ chức kinh tế muốn thế chấp nhà ở (trên đất giao có thu tiền sử dụng đất hoặc đất thuê trả tiền 1 lần) cho tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thì chỉ được thế chấp phần quyền sử dụng đất, không được thế chấp nhà ở dù nhà ở được tạo lập hợp pháp. Đây là quy định chưa thực sự hợp lý, cần được rà soát.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật có nhiều quy định liên quan đến hoạt động lựa chọn chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, một số quy định lại chưa thực sự đủ rõ ràng và “dường như ít có sự liên kết với pháp luật về đầu tư”. Dự thảo Luật cũng không có quy định phân định rõ trong quy trình đầu tư dự án xây dựng nhà ở, những quy định nào sẽ áp dụng theo Luật Đầu tư, những quy định nào sẽ áp dụng theo quy định pháp luật nhà ở.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều này có thể khiến cho hệ thống pháp luật trở nên thiếu thống nhất và khiến cho nhà đầu tư gặp vướng trong quá trình áp dụng thực hiện. Do đó, bà Hồng đề nghị rà soát quy định tại Dự thảo Luật với quy định tại pháp luật về đầu tư để bảo đảm tính thống nhất trong quy định về trình tự, thủ tục đầu tư.

Đọc thêm