Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị đã được TP HCM ấp ủ từ năm 2007 và được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung năm 2013. Đến nay, trong giai đoạn mới, TP HCM đã triển khai xây dựng 2 đề án. Đó là Đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TP HCM và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 (trong đó bao gồm Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức).
Theo ông Phong, trong giai đoạn 2009-2016, TP HCM đã có 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, là địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất cả nước. TP HCM nhận thấy khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân TP.
Về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2019-2021, Chủ tịch UBND TP cho hay việc sắp xếp này nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp. Trong đó, TP HCM đã lồng ghép nội dung Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức vào Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Theo đề án thành lập Thành phố Thủ Đức của TP HCM, 3 quận phía Đông Thành phố (Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức) được lựa chọn để phát triển thành hạt nhân sáng tạo, hình thành một “cực” tăng trưởng mới, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo.
|
Khu vực phía Đông TP HCM sẽ thành “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố. |
Song song đó, cần một bộ máy quản lý hành chính đảm bảo thống nhất, đồng bộ; cần thiết có một cấp chính quyền đô thị phù hợp, có sự chủ động cao để tổng hợp thế mạnh và có đầy đủ năng lực điều phối, phát huy tối đa các nguồn lực nổi trội của Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố.
Hiện nay, để dễ gọi tên, TP HCM đề xuất tạm thời sử dụng tên “Thành phố Thủ Đức” sau khi sáp nhập Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức để vừa mang tính kế thừa lịch sử địa danh của địa phương nơi đây, vừa phù hợp với mong muốn của đa số người dân Thành phố.
Chính quyền địa phương ở Thành phố Thủ Đức là chính quyền cấp huyện, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương theo quy định. Theo đó, cơ cấu chính quyền Thành phố Thủ Đức gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố.
Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận có tổng diện tích 211.56 km2 - quy mô dân số 1.013.795 người, là một đề án mà TP HCM ấp ủ từ nhiều năm qua, là mô hình “Thành phố trong Thành phố” nhằm giúp nơi đây thành “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển vượt bậc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Vệc lập ra Thành phố Thủ Đức sẽ giúp giảm chi phi, ngân sách chi trả cho cán bộ, công chức và người lao động của một đơn vị hành chính. Tập trung được nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng. Hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, kém chất lượng, giảm hiệu quả của ngân sách cho đầu tư. Mặt khác, nó sẽ tạo nhiều cơ hội thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hợp lý; thay đổi sự phân bố dân cư phù hợp theo quy hoạch, thu hút được sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Theo đề án, sau khi được Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương thành lập Thành phố Thủ Đức, TP HCM sẽ xây dựng Đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021.
Quận Thủ Đức (12 phường), Quận 2 (11 phường), Quận 9 (13 phường) được thành lập ngày 1/4/1997, trên cơ sở tách ra từ huyện Thủ Đức. Trải qua hơn 20 năm xây dựng, đến nay cơ cấu kinh tế của khu vực đã chuyển dịch đúng định hướng và phát triển nhanh theo hướng tăng đầu tư, phát triển ngành thương mại, dịch vụ, tăng trưởng kinh tế gấp nhiều lần so với trước đây.
Khu vực có vị trí địa chính trị chiến lược ở cửa ngõ Đông Bắc của Thành phố, giáp sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) trong tương lai, là vùng lỏi của vùng kinh tế trọng điểm, giữ vai trò quan trọng trong giao thương với quốc tế, phía Nam và của cả nước; có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ…