Gửi hồ sơ kết hôn vắng mặt ở nước ngoài để... chịu khổ

Việc kết hôn vắng mặt phía công dân Việt Nam tại Hàn Quốc đã phát sinh không ít tiêu cực như bị giết, bị bạo hành. Đa số các trường hợp hôn nhân đổ vỡ, bất hạnh mà báo chí đã nêu trong thời gian qua đều là các trường hợp kết hôn vắng mặt phía phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc...

Trong khi các cơ quan chức năng Việt Nam đã và đang ra sức xây dựng, hoàn thiện các quy định về kết hôn với người nước ngoài nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cặp vợ Việt – chồng ngoại thì một thực tế đáng buồn là nhiều cô dâu Việt lại ra sức tránh né vì muốn “tối giản hóa quy định” đến mức dễ dãi. Vậy nên mới có tình trạng đến 95% cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc đã gửi hồ sơ đăng ký kết hôn (ĐKKH) sang nước ngoài, bất chấp những hệ lụy có thể xảy ra từ quan niệm dễ dãi của mình.

Cô dâu Việt cùng chồng con người Đài Loan trong một buổi họp mặt
Cô dâu Việt cùng chồng con người Đài Loan trong một buổi họp mặt

Dễ dãi = hệ lụy chực chờ

Theo nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý, những quy định trong Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP đã đem lại nhiều kết quả tích cực, làm lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Cơ quan chức năng đã vận dụng những quy định này rất chặt chẽ, yêu cầu hai bên nam nữ phải có mặt tại Sở Tư pháp để trả lời phỏng vấn, loại bỏ được nhiều trường hợp kết hôn không lành mạnh, không phù hợp với phong tục tập quán…

Vấn đề phát sinh là khi thắt chặt thủ tục ĐKKH ở trong nước thì đương sự chuyển sang ĐKKH ở… nước ngoài. Pháp luật của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… không yêu cầu hai bên kết hôn phải có mặt khi ĐKKH nên rất nhiều trường hợp cô dâu Việt đã chuyển hồ sơ sang nước ngoài, sau đó mới làm thủ tục công nhận ở Việt Nam thông qua thủ tục ghi chú.

Ví dụ tại Hàn Quốc, quy trình ĐKKH đơn giản như sau: Cô dâu Việt Nam gửi hồ sơ gồm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, bản sao Giấy chứng minh nhân dân, bản sao Sổ hộ khẩu gia đình để anh chồng người Hàn đăng ký vào sổ hộ tịch, chứ không cần cô vợ tương lại trực tiếp phải sang Hàn Quốc.

Các cô dâu Việt đã triệt để “khai thác” lỗ hổng này: Báo cáo của các Sở Tư pháp cho biết từ năm 2005 –2010, cả nước có gần 38 ngàn trường hợp cô dâu Việt kết hôn với nam giới Hàn Quốc theo quy trình trên, chiếm đến 95% trong tổng số các cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc.

Dễ dãi này tất nhiên sẽ đi kèm những hệ lụy chực chờ: Cô dâu Việt chưa hiểu biết gì về chồng, nhân thân của người chồng, hoàn cảnh gia đình nhà chồng, càng không biết gì về pháp luật, phong tục tập quán, văn hóa của đất nước người chồng tương lai sinh sống...

Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp), ông Trần Thất phân tích: “Việc kết hôn vắng mặt phía công dân Việt Nam tại Hàn Quốc đã phát sinh không ít tiêu cực như bị giết, bị bạo hành. Đa số các trường hợp hôn nhân đổ vỡ, bất hạnh mà báo chí đã nêu trong thời gian qua đều là các trường hợp kết hôn vắng mặt phía phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc như 3 cô dâu Việt bị sát hại là Huỳnh Thị Mai, Thạch Thị Hoàng Ngọc, Hoàng Thị Nam”.

“Đau đầu” gỡ rối

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy của tình trạng trên, thời gian qua trong quá trình soạn thảo Nghị định thay thế, một số ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần bổ sung thêm một số giấy tờ trong bộ hồ ĐKKH gửi sang nước ngoài. Đó có thể là một loại “giấy phép” nhằm xác nhận đủ điều kiện kết hôn cho cô dâu Việt kết hôn với chồng ngoại tại nước ngoài. Theo đề nghị của lãnh đạo Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) đơn vị được giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định thay thế, giấy này có thể được mang tên là “giấy xác nhận không cản trở việc kết hôn”.

Tuy nhiên ý tưởng ra đời loại loại giấy nêu trên đã bị nhiều ý kiến bác bỏ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hà Hùng Cường nhấn mạnh: “Luật Hôn nhân và gia đình cấm hành vi cản trở hôn nhân tiến bộ mà bây giờ “đẻ” ra giấy xác nhận không cản trở việc kết hôn là vô lý”.

Đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) phân tích, ngay từ tên gọi của giấy đã không rõ là “ai không cản trở”. Nếu hiểu là chính quyền thì không hợp lý trong khi pháp luật nước ta đã quy định rõ hôn nhân “lành mạnh, tiến bộ”. Hơn nữa, việc cấp giấy này là thêm thủ tục bởi cấp tỉnh phải đi xác nhận lại lời xác nhận của cấp xã và vô hình chung chính là vô hiệu hóa thẩm quyền của cấp xã. Đây cũng là lo ngại của bà Nguyễn Thị Cúc Phương (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ) vì việc có thêm giấy xác nhận không cản trở việc kết hôn thì “số phận” của giấy xác nhận tình trạng hôn nhân lâu nay vẫn do UBND cấp xã cấp sẽ như thế nào?

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, để gỡ rối vấn đề này, có thể tính toán đến việc siết chặt hơn thủ tục phỏng vấn. Một gợi ý là nên chuyển khâu phỏng vấn lên trước, tức là khi cô dâu Việt muốn làm hồ sơ ĐKKH với chồng ngoại, trước tiên phải làm thủ tục phỏng vấn tại Việt Nam. “So với quy trình cũ là làm hồ sơ trước – phỏng vấn sau thì đây chỉ là việc đảo thủ tục, từ hậu kiểm sang tiền kiểm, chứ hoàn toàn không thêm bớt một thủ tục nào cả”, lãnh đạo một Vụ của Bộ Tư pháp đề xuất.

Theo một lãnh đạo Vụ Hành chính tư pháp, cần củng cố các Trung tâm tư vấn và hỗ trợ kết hôn của Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành; tránh tình trạng hiện đang hoạt động èo uột; phải trao cho các Trung tâm một địa vị pháp lý, thẩm quyền rõ ràng hơn và sẽ yêu cầu tất cả các cuộc kết hôn có yếu tố nước ngoài đều phải qua Trung tâm này.

“Nếu làm được như vậy, tôi nghĩ sẽ tạo được bước chuyển mình mạnh mẽ, người phụ nữ không còn rơi vào tình trạng “nhắm mắt kết hôn””, vị lãnh đạo này nói.

Cũng có người cho rằng việc thay thế Nghị định 68 và Nghị định 69 hay tiến xa hơn là xây dựng Luật Hộ tịch mới chỉ là “phần ngọn” của vấn đề. “Cái gốc” phải là những vấn đề xã hội khác như công ăn việc làm, được học hành, có thu nhập… và nếu cuộc sống không quá khó khăn thì các cô dâu Việt đâu cần xuất ngoại mong “đổi đời”.

Uyên San

Đọc thêm