Gương mặt Ban giám khảo Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn”: Nhạc sĩ Ngọc Tường: “Hát không có sức biểu cảm không thể chạm đến trái tim người nghe”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Có đam mê, năng khiếu và chọn đúng dòng nhạc Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” là những điều cần thiết với thí sinh. Nhưng quan trọng hơn đó là biểu cảm của thí sinh khi thể hiện tác phẩm, bởi lẽ, hát không có sức biểu cảm không thể chạm đến trái tim của người nghe" - Đó là những gợi ý đầy tâm huyết của Nhạc sĩ Ngọc Tường, thành biên Ban giám khảo Liên hoan” Tiếng hát Đại ngàn”.
Nhạc sĩ Ngọc Tường.
Nhạc sĩ Ngọc Tường.

Tôi gặp Nhạc sĩ Ngọc Tường, Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San Gia Lai, thành viên Ban Giám khảo Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” trong một chiều mưa tại một quán cà phê nhỏ.

Sau lời đề nghị chia sẻ về những tiêu chí cần thiết đối với thí sinh tham gia Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn”, Nhạc sĩ Ngọc Tường không ngần ngại nói lên quan điểm của mình.

Ông tâm sự: “Mình chỉ xin gợi ý với thí sinh và những người yêu ca hát vài yếu tố nghệ thuật cần thiết của người có ít kinh nghiệm về lĩnh vực này, chứ không trao đổi với vai trò thành biên Ban Giám khảo”:

Nhạc sĩ Ngọc Tường (mũ trắng) là thành viên Ban Giám khảo Liên hoan "Tiếng hát Đại ngàn"

Nhạc sĩ Ngọc Tường (mũ trắng) là thành viên Ban Giám khảo Liên hoan "Tiếng hát Đại ngàn"

Trước hết, thí sinh phải chọn bài hát cho phù hợp về nội dung và dòng nhạc Liên hoan quy định. Thí sinh thường phải có năng khiếu, chất giọng tự nhiên hoặc được rèn luyện qua hình thức truyền nghề hay được đào tạo tại các cơ sở âm nhạc. Thêm vào đó là quá trình tập luyện miệt mài, chỉ có khổ luyện mới thành công được.

Trong quá trình thể hiện, thí sinh cần hát đúngcao độ (giai điệu), trường độ (tiết tấu); Phải làm chủ về cường độ, tốc độ; Phát âm chuẩn (tròn vành, rõ chữ)…

Yếu tố quan trọng nữa đó là sự biểu cảm. Kỹ năng thanh nhạc tốt, âm nhạc chuẩn nhưng nếu thí sinh thiếu bình tĩnh trước khán giả, đặc biệt nếu hát không có sức biểu cảm thì không thể chạm đến trái tim người nghe.

Về phong cách biểu diễn: Do hát trên sân khấu nên thí sinh cần lưu ý, vì khán giả vừa nghe, vừa nhìn từng động tác, cử chỉ, bước chân, tuyến đi, ánh nhìn, gương mặt…Tất cả đều gắn kết với nội dung đang cần biểu đạt.

Nhạc sĩ Ngọc Tường đưa ra lời khuyên: Khi luyện tập, thí sinh có thể đứng trước gương lớn để điều chỉnh hình thức, phong cách biểu diễn. Về hình thức, phục trang, đạo cụ (nếu có)…cần phù hợp với nội dung bài hát. Về nhạc đệm cho hát phối khí nhạc đệm cho hát là phần rất quan trọng.

Bản phối khí tốt có khả năng chắp cánh cho giọng hát bay lên, càng hát thí sinh càng rung cảm, hưng phấn. Thí sinh có thể nhờ nhạc sĩ phối khí hoặc chọn bản phối phù hợp với giọng của mình thì bài thi có thể có hiệu quả tốt hơn. Ngược lại, bản phối khí ít phù hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giọng hát. Mỗi giọng hát có khoảng âm cao, thấp khác nhau (giọng nữ cao, nữ trung, nữ trầm; giọng nam cao, nam trung, nam trầm…), nhạc đệm cần rất đúng giọng (cung, cung thể, tông…).

Ví dụ: Giọng Sol thứ hay La thứ, giọng Đô trưởng hay Rê trưởng…). Các yếu tố kỹ thuật sân khấu như âm thanh, ánh sáng, khói, đèn led (nếu có) v.v… là những yếu tố quan trọng. Đặc biệt là âm thanh đối với từng giọng hát cần được thí sinh, nhất là người điều chỉnh âm thanh hết sức quan tâm.

Những yếu tố mà Nhạc sĩ Ngọc Tường gợi ý trên đây không chỉ cần thiết những cho thí sinh của Liên hoan “Tiếng hát Đại Ngàn” mà còn cho cả bất cứ ai yêu ca hát.

Trước khi chia tay tôi, Nhạc sĩ Ngọc Tường không quên nhắn nhủ: “Cũng chưa là tất cả, nghệ thuật không có bờ cõi. Xin chúc các bạn thí sinh yêu quý của chúng ta thành công sẽ luôn mang trong mình tình yêu âm nhạc!”.

Một số ca khúc do Nhạc sĩ Ngọc Tường sáng tác

*Tình ca Măng Đen

*Pleiku thân yêu

*Pleiku chưa xa đã nhớ

*Gọi em là Hằng Nga

*Tình yêu còn đó

Một số bài hát của Nhạc sĩ Ngọc Tường mang âm hưởng Tây Nguyên

*Xin gọi tên Ia Ly

*Tiếng hát đêm nhà rông

*Tìm về đêm hội làng

*Tiếng đàn Đinh Goong

*Mong anh về

*Tiếng hát trên buôn