Gương mặt Ban giám khảo Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” - NSND Rơ Chăm Phiang: Quan tâm đến giọng hát, năng khiếu và hình thức của thí sinh

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” toàn quốc Lần thứ Nhất do Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN - Bộ Tư pháp) phối hợp cùng Công ty CP Bảo trợ Truyền thông Pháp luật tổ chức đã quyết định khởi động đăng ký, casting thông qua hình thức online (đăng ký trực tuyến). Ban Biên tập Báo PLVN đã mời 10 nhạc sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp, gạo cội, giàu kinh nghiệm, đạt nhiều giải thưởng cao quý tham gia Ban giám khảo.

Giọng ca của NSND Rơ Chăm Phiang được đánh giá là giọng ca hiếm có của Việt Nam.
Giọng ca của NSND Rơ Chăm Phiang được đánh giá là giọng ca hiếm có của Việt Nam.

Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa PV Báo PLVN và NSND Rơ Chăm Phiang.

* Xin bà cho biết, bà đánh giá như thế nào về Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” do Báo PLVN tổ chức?

NSND Rơ Chăm Phiang: Tôi rất vinh dự khi được tham gia làm giám khảo cho một Liên hoan âm nhạc với quy mô lớn toàn quốc, công phu do Báo PLVN tổ chức. Có thể thấy Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” là một cuộc tìm kiếm tài năng cho đất nước, tỏa sáng hình ảnh truyền thông, lan tỏa thông điệp ý nghĩa, đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà nói chung và dòng nhạc Tây Nguyên nói riêng. Đặc biệt, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, trong đó có bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, phù hợp với ý Đảng, lòng dân.

Mặt khác, thông qua Liên hoan này, Báo PLVN chung tay kêu gọi cộng đồng cùng xây dựng tình đoàn kết, thực hiện các chương trình thiện nguyện ý nghĩa, nhân văn trong cộng đồng xã hội. Qua đó, Báo PLVN thực hiện tốt hơn vai trò là chiếc cầu nối truyền tải các giá trị văn hóa, pháp lý đến người dân, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát triển tài năng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

* Vậy khi được Ban biên tập Báo PLVN mời tham gia Ban giám khảo Liên hoan bà có thuận lợi và khó khăn gì?

NSND Rơ Chăm Phiang: Tôi sinh ra và lớn lên tại Tây Nguyên, thời trẻ tôi có nhiều cơ hội đem những làn điệu dân ca Tây Nguyên biểu diễn tại các chiến trường Khu V thời chống Mỹ cứu nước. Sau đó, tôi được giới thiệu ra Bắc đào tạo bài bản về âm nhạc trong nước và quốc tế, nhận bằng Thạc sĩ âm nhạc ở trong nước và được tu nghiệp 2 năm tại Nhạc viện Trai-cốp-xki (Liên bang Xô Viết) và làm giảng viên tại Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Những làn điệu dân ca và phát triển dân ca về Tây Nguyên đã thấm đẫm vào trái tim tôi từ thửa nhỏ.

Mới đây, tôi là nhân vật chính được tôn vinh trong đêm nhạc “Họa mi của núi rừng Tây Nguyên” do Ban liên lạc kháng chiến tỉnh Gia Lai (Sở VHTT&DL Gia Lai) cùng UBND TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) đồng tổ chức. Là một trong những “con chim đầu đàn” ca sĩ nhạc thính phòng Opera của quốc gia, tôi đã nỗ lực và may mắn đạt nhiều giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế.

Vì vậy, khi được Ban biên tập Báo PLVN mời làm thành viên Ban giám khảo Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn”, tôi cảm thấy đó là một vinh dự lớn. Tôi sẽ nguyện đem hết trí tuệ, sức lực, với tinh thần làm việc nghiêm túc, khách quan, công tâm để lựa chọn ra những thí sinh xuất sắc nhất.

Hiện, tôi vẫn đang làm giảng viên của Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội nên khi tham gia Ban giám khảo sẽ ảnh hưởng đến lịch tuyển sinh, giảng dạy tại trường. Tôi sẽ cố gắng sắp xếp thời gian thật khoa học để vừa hoàn thành việc tuyển sinh, giảng dạy vừa làm tròn vai thành viên Ban giám khảo Liên hoan.

* Bà thể hiện vai trò thành viên Ban giám khảo Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” như thế nào trong Liên hoan này?

NSND Rơ Chăm Phiang: Chủ đềLliên hoan “ Tiếng hát Đại ngàn” đã đề cập rất rõ mục tiêu Liên hoan là chọn ra các tài năng về âm nhạc cho đất nước. Đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị nguồn cội của dân ca, ca nhạc trong nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì vậy, đây là vấn đề cốt lõi xuyên suốt của Liên hoan từ vòng sơ tuyển đến vòng chung kết xếp hạng và trao giải thưởng. Chúng tôi lấy chủ đề này để làm cơ sở chấm thi.

Theo tôi, bên cạnh chủ đề kể trên, tôi đề nghị Ban giám khảo nên tập trung vào 3 tiêu chí: Giọng hát, năng khiếu và hình thức của thí sinh, trong đó chú trọng đến giọng hát và năng khiếu. Chúng tôi hứa trước Ban biên tập Báo PLVN và người hâm mộ trong cả nước sẽ làm hết trách nhiệm của mình, chấm thi công tâm, khách quan nhằm phát hiện và chọn ra nhân tài âm nhạc cho đất nước.

* Bà có lời khuyên gì dành cho các thí sinh tham gia Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn”?

NSND Rơ Chăm Phiang: Với thí sinh, có người được đào tạo bài bản về âm nhạc nhưng cũng có người tham gia dự thi vì đam mê, yêu thích hoặc có thí sinh chỉ hiểu biết một chút về âm nhạc. Vậy nên các thí sinh khi đăng ký dự thi phải bắt tay ngay vào luyện tập chuyên cần từ bây giờ, chỉ có khổ luyện, đam mê mới có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu.

Đặc biệt, thí sinh chú ý chọn các bài dân ca của Tây Nguyên và các bài hát phát triển dân ca Tây Nguyên để tránh bị “lạc đề”. Có thể chọn dân ca các dân tộc thiểu số: Jrai, Bahnar, Ê Đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông…

Các bài hát phát triển dân ca Tây Nguyên cũng có rất nhiều bài hát hay. Vậy thí sinh nên chọn các bài hát mình yêu thích để đạt điểm cao hơn như các ca khúc đã đi cùng năm tháng của các Nhạc sĩ hoặc cố Nhạc sĩ: Lê Lôi, Văn Thắng, Hoàng Hiệp, Cẩm Phong, NSƯT Trần Luận, Phan Huỳnh Điểu, Đàm Thanh, Nguyễn Cường… Cuối cùng, khi dự thi, thí sinh cần chú ý đến trang phục, phong cách biểu diễn mang bản sắc Tây Nguyên.

* Được biết, thời gian qua bà đã đề nghị với Ban giám hiệu Trường Văn hóa Nghệ thuận Quân đội tuyển chọn những tài năng ca hát ở Tây Nguyên về đào tạo và một số sinh viên đã thành danh. Nhân dịp được làm thành viên Ban giám khảo của Liên hoan, bà có tiếp tục ý tưởng trên không?

Đại tá - NSND Rơ Chăm Phiang: Năm 2012, tôi đề nghị với Ban Giám hiệu Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đặc cách tuyển một số em các dân tộc Tây Nguyên có năng khiếu bẩm sinh ca hát về trường đào tạo âm nhạc. Sau thời gian dài được học tập bài bản nhiều em đã thành danh như: Y Vol, Y Garia, Ploong Thiết, Phi Ưng.

Lần này, qua chấm thi tại Liên hoan "Tiếng hát Đại ngàn" do báo PLVN tổ chức, tôi sẽ lựa chọn những thí sinh người dân tộc Tây Nguyên có giọng hát tốt, năng khiếu, hình thức để đề nghị nhà trường nơi tôi làm công tác giảng dạy đào tạo các em thành tài và kế tục sự nghiệp những ca sĩ nổi tiếng của mảnh đất Tây Nguyên như: NSND Y Mon, tôi, ca sĩ Siu Black…

* Xin trân trọng cảm ơn bà.

Các giải thưởng về âm nhạc trong nước, quốc tế và phong tặng danh hiệu cấp quốc gia của Đại tá - NSND Rơ Chăm Phiang:

Đạt 12 giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế (8 Huy chương Vàng).

Giải ba Liên hoan âm nhạc quốc tế Hoa Cẩm Chướng ở Liên bang Xô Viết năm 1983.

Huy chương Vàng Liên hoan âm nhạc quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng năm 1990.

Giải nhất Cuộc thi hát thính phòng Việt Nam lần thứ nhất tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1996.

Giải nhất giọng hát Hà Nội - ASEAN năm 1996.

Năm 1997, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Năm 2019, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.