Hà Giang: Hệ thống Hội nghị truyền hình phát huy hiệu quả

(PLO) -Sau gần 7 tháng đưa vào sử dụng, Hệ thống Hội nghị truyền hình kết nối từ huyện tới gần 200 xã của UBND tỉnh Hà Giang đã đem lại  hiệu quả thiết thực trong công tác chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã và  tiết kiệm cho tỉnh hàng chục tỷ đồng.
Tỉnh Hà Giang và VNPT khai trương hệ thống Hội nghị truyền hình đến cấp xã
Tỉnh Hà Giang và VNPT khai trương hệ thống Hội nghị truyền hình đến cấp xã

Với khả năng triển khai nhanh chóng, ngay trong tháng 3/2017, sau khi ký kết với UBND tỉnh để triển khai hệ thống, VNPT đã triển khai lắp đặt, vận hành thử hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tại 173/195 xã. Toàn bộ hệ thống với gần 200 điểm cầu đã nhanh chóng được hoàn thành chỉ sau hơn một tháng triển khai. Hiện hệ thống này đã được triển khai đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và đang tiếp tục được triển khai cho nhiều sở, ban ngành.

Hệ thống Hội nghị truyền hình được lắp đặt tại các xã của Hà Giang với mức đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng 1 điểm, bao gồm màn hình tivi, CPU, camera, microphone với mức cước hàng tháng thấp và thao tác sử dụng đơn giản. Trong trường hợp lãnh đạo đi công tác, có thể sử dụng máy tính xách tay, ipad để tham gia họp, chỉ đạo điều hành. Đây là một trong 6 giải pháp thuộc Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT, hiện đang được sử dụng ở nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước trên cả nước.

Với chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt nên ngay sau khi lắp đặt xong hệ thống, nhiều huyện đã sử dụng phục vụ các đợt tập huấn về Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, học Nghị quyết hay triển khai công tác... Có huyện tuần họp 3 buổi, thậm chí, có huyện ngày họp tới 2 buổi.

Bắt đầu từ tháng 5/2017, VNPT đã triển khai và vận hành Hệ thống hội nghị truyền hình phục vụ phiên họp đầu tiên cuả UBND tỉnh triển khai Nghị quyết TW5 từ TW trực tiếp đến các xã với số lượng 6.300 người tham gia. Tiếp sau đó là 3 phiên trực tiếp từ TW đến xã, có phiên lên đến 8.200 người.

Đánh giá về hiệu quả mà hệ thống truyền hình trực tuyến đem lại, ông Triệu Tài Vinh,  Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang  khẳng định:"Cho đến ngày hôm nay, hệ thống truyền hình trực tuyến của tỉnh Hà Giang đã tổ chức và vận hành rất trơn tru. Trước đây, chúng ta thông qua các báo cáo viên, lựa chọn đối tượng và số lượng được dự rất ít. Còn hiện nay, tất cả cán bộ cấp xã đều được tham dự. Đó là điều rất tốt, rất thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã".

Còn tại huyện Vị Xuyên, nếu như trước đây, các buổi giao ban sơ kết hoạt động HĐND các cấp dù thành phần tham gia nhiều nhưng số người có mặt tại hội trường UBND huyện chưa đến 20 người, thì nay, thông qua màn hình gắn camera và thiết bị trực tuyến công nghệ cao, 22 điểm cầu trên toàn huyện được kết nối với nhau, tạo ra không gian phẳng, nối gần khoảng cách từ huyện đến xã xa nhất, cách trung tâm gần 60 km chỉ bằng những cú click chuột. Ông Lục Chí Việt, Bí thư Đảng ủy xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên) cho biết, từ khi triển khai họp trực tuyến, thành phần họp được mở rộng gấp nhiều lần so với họp trực tiếp, khiến sức lan tỏa về các chính sách, chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên sẽ sâu rộng hơn và có sự thống nhất, xuyên suốt trong toàn hệ thống chính trị.

Ước tính đến thời điểm này, nhờ sử dụng hệ thống, tỉnh đã tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành thời gian qua, mà nổi bật là đưa hệ thống truyền hình trực tuyến vào triển khai, bước đầu đã đem lại những tín hiệu tích cực, đưa Hà Giang lọt top 10 về chỉ số ứng dụng CNTT và top 10 trong bảng xếp hạng dịch vụ công trực tuyến. 

Đọc thêm