Người dân tộc La Chí đã sống định canh định cư thành từng bản từ rất lâu, sống trên nhiều huyện của tỉnh Hà Giang. Thường mỗi gia đình đều sinh sống ở nhà sàn và có một ngôi nhà đất liền kề để làm bếp. Ngôi nhà sàn được dựng lên thường có 3 gian, chỉ có một cầu thang lên xuống ở gần phía giáp nhà đất. Đối với người dân tộc này, lễ mừng cơm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Vào khoảng đầu tháng 9 âm lịch, khi những bông lúa ngoài đồng bắt đầu chín vàng, để được ăn những hạt lúa mới thì người cao tuổi và có uy tín nhất trong làng sẽ chọn một ngày tốt, rồi thông báo với bà con chuẩn bị sắm sửa lễ vật cúng mừng cơm mới. Người La Chí mừng lúa mới theo làng hoặc theo xã, bởi ở vùng nào lúa chín trước thì tổ chức trước còn nơi nào chín sau thì mừng lúa mới sau.
Thanh niên nam, nữ trong bản tập trung trên bãi đất trống chơi đu vòng tròn. |
Theo ông Vương Văn Nú, nghệ nhân, thầy then lớn nhất của người La Chí trong thôn Lùng Vi, xã Nà Khương cho biết: Vào ngày mừng lúa mới, tôi phải dậy từ lúc gà gáy lần 2 để cúng lúa mới cho gia đình, sau đó lần lượt đi cúng từng nhà như là báo cáo tổ tiên. Sau khi cúng cho các hộ xong, cả làng tập trung tại nhà tôi để cúng làng.
Để chuẩn bị cho lễ cúng mừng cơm mới, các gia đình chuẩn bị đầy đủ trong mâm lễ, chủ yếu là thịt của những con vật hay phá hoại mùa màng thường ngày chúng tôi đi rừng, đi nương bắt được, mang về sấy khô trên gác bếp để phục vụ những nghi lễ nhằm vụ sau sẽ không bị những con vật ấy đến phá hoại; và lễ cúng lúa mới còn có rượu hoẵng phải được uống bằng sừng trâu…
Đặc biệt, trong lễ mừng cơm mới phải có cơm nếp, cơm tẻ là cơm mới vừa được gặt ở ruộng, nương về. Bên cạnh đó, củ gừng cũng là một thứ không thể thiếu trong mâm lễ, bởi theo quan niệm của người La Chí, củ gừng được coi như là vật nối liền giữa âm và dương, nên nó là vật không thể thiếu được trong bất cứ lễ cúng nào của người La Chí.
“Thường trước ngày cúng lúa mới, những người phụ nữ trong gia đình sẽ đi gặt để rước hồn lúa về nhà, trong lúc gặt không được nói chuyện, lúc mang lúa về không để rơi đường hay suối, tránh mất hồn lúa về nhà. Sau khi gặt xong mang về nhà hấp, phơi trên gác bếp để rạng sáng hôm sau khi gà gáy 2 lần thì tuốt hạt thóc rồi mang đi giã cốm, nhà nào không làm cốm thì đồ xôi để chuẩn bị cúng lúa mới.
Nếu gia đình nào không còn cha mẹ, thì con cái mới được làm, còn không thì trẻ con không được nghịch xôi hay cốm. Phải đợi cúng Tổ tiên xong, lần lượt đến người lớn nhất trong nhà rồi mới đến các con cháu ngồi ăn – đó là quy luật mà từ bao đời người La Chí chúng tôi dạy con cháu phải biết kính trên nhường dưới...” - bà Lùng Thị Ngỏe, thôn Lùng Vi chia sẻ.
Món thịt chuột, món ăn phục vụ những nghi lễ nhằm vụ sau sẽ không bị những con vật ấy đến phá hoại. |
Sau khi các nghi lễ được cúng lễ xong, cả gia đình quây quần dọn cơm ăn, mỗi người trong gia đình nắm một nắm cơm nhỏ kèm một con cá vào và ăn để lấy lộc, rồi mời bà con hàng xóm cùng nếm cơm mới.
Trong ngày Lễ mừng cơm mới từ già, trẻ, thanh niên nam, nữ trong bản cùng nhau tập trung trên bãi đất trống hoặc đồi bằng để chơi ném còn, quay đu vòng tròn, hát giao duyên, hát đối đáp… một số phụ nữ La Chí ngồi nhà hoặc dưới bóng cây cùng nhau thêu thùa, may vá trang phục của mình./.