Những năm 1970, Rinus Michels đã phát minh ra bóng đá tổng lực. 36 năm sau, khái niệm "Total Football" chỉ còn là hoài niệm của những người Hà Lan bay. Thay vào đó, họ có... bạo lực tổng lực.
Vẫn biết, chặn được Tây Ban Nha rất khó và cách tốt nhất là đá rắn, khiến những kỹ thuật gia của họ phải chùn chân, nhưng nếu đá rắn đến độ đạp cả giầy vào ngực đối thủ như cái cách De Jong thể hiện thì thực sự Hà Lan đã mất “chất”. Năm nay một số ông lớn của bóng đá thế giới đã thay đổi lối chơi, có thể là về sơ đồ chiến thuật hoặc phong cách của từng cá nhân. Nổi bật nhất là Đức với sự thanh thoát khó tin của một kẻ vốn chỉ đi những bước lầm lì trên con đường của mình, và Brazil chơi ngày càng thực dụng dù chất Samba vẫn còn phảng phất ở một vài cá nhân.
|
World Cup 2010, Hà Lan giới thiệu môn phái... bạo lực tổng lực. |
Nhưng nếu Brazil vẫn còn chút gì đó để người xem phải chú ý vì sự điêu luyện của các nghệ sĩ, thì Hà Lan hầu như chẳng còn gì nổi bật so với quá khứ huy hoàng của bóng đá tổng lực. Vẫn biết, thất bại tại EURO 2008 đã khiến cơn lốc màu da cam ngày nào biến thành một vật thể xù xì, nhưng thật khó hiểu là họ lại sẵn sàng chơi một thứ bóng đá bạo lực đến thế. 9 thẻ vàng trong một trận đấu mà trong đó, chỉ có hai cầu thủ tấn công là Dirk Kuyt, Wesley Sneijder cùng thủ môn Sketelenburg là không bị trọng tài Howard Webb rút thẻ, Hà Lan đã có một trận chung kết thứ 3 đậm màu sắc của phim hành động. Nigel de Jong chỉ bị ăn thẻ vàng sau cú kung-fu “đẹp mắt” vào ngực của Xabi Alonso, một quyết định hơi khó hiểu của trọng tài Webb. Rất nhiều tình huống khác mà các cầu thủ Hà Lan chơi rắn để cản bước đối phương, điển hình là pha kéo áo Sergio Ramos của Van Bronckhorst ở đầu hiệp 2 để chặn một quả tạt của hậu vệ Real Madrid, hay cú xoạc bóng rất nguy hiểm của Van Bommel với Iniesta ở phút 77.
|
Cú kung-fu của Nigel de Jong chỉ khiến anh bị thẻ vàng. |
Và ngay cả một nghệ sĩ sáng tạo như Arjen Robben cũng biết xài mánh. Lùi về hỗ trợ phòng ngự, nhưng không cản nổi Xavi đang băng lên ở cánh trái với tốc độ rất cao, Robben ngay lập tức gài chân để bảo đảm rằng bộ não của TBN sẽ không tạo ra nguy hiểm với khung thành của Sketelenburg. Tại sao Hà Lan lại trở nên bạo lực trong trận chung kết như vậy? Người Đức đã rũ bỏ vẻ làm lì của một chiếc xe tăng từ lâu để tiếp cận với bóng đá đẹp. Nhưng trước TBN quá mạnh, họ lui về phòng ngự thụ động và nhường phần sân cho đối phương. Một khi cái chất Đức không còn tồn tại trong lối chơi, họ dễ dàng để cho TBN dồn ép và tung đòn kết liễu.
|
Đến Dirk Kuyt cũng chạy đến tận đường biên dọc bên phần sân nhà. |
Bert Van Marwijk chắc chắn biết diễn biến của trận đấu đó. Và ông này cho rằng, một khi không thể áp dụng kiểu đá sòng phẳng với TBN, cách tốt nhất là chơi rắn. Hơn nữa, đến một hàng phòng ngự có nhiều lớp và được bao bọc chắc chắn như Đức còn phải chịu khuất phục trước cú đánh đầu của Puyol, liệu Hà Lan sẽ chống đỡ những đợt tấn công của TBN như thế nào với 4 hậu vệ chỉ đạt mức trung bình khá và một Sketelenburg chưa khẳng định được tài năng?
|
Bóng đá tổng lực - vị trí nào cũng lên tấn công. Bạo lực tổng lực - vị trí nào cũng biết... phạm lỗi. |
Với tư tưởng như vậy, bố vợ của Mark van Bommel đã chủ động chơi như cách của Đức ở bán kết, nhưng lùi đội hình xuống rất sâu trong đó có cả những người chơi trên hàng công như Dirk Kuyt hay Wesley Sneijder thường xuyên hỗ trợ phòng ngự bên phần sân nhà. Coi như Hà Lan chỉ có Robben và Van Persie tự tìm cách lấy bóng và phối hợp với nhau. Với cách đá đó, cộng thêm những tình huống truy cản mà mục tiêu là… các phần cơ thể của đối thủ, Hà Lan đã tạm thời làm chủ tình hình trong khoảng 30 phút đầu tiên, nếu không tính đến sơ sẩy để Sergio Ramos đánh đầu trong tư thế thoải mái ở những phút đầu.
|
Howard Webb thường xuyên rút thẻ với cầu thủ áo cam. |
Có điều lối chơi đó chỉ khiến điểm yếu của hàng phòng ngự tạm thời được che đậy, chứ không thể bẻ gãy hoàn toàn những đợt lên bóng đa dạng của TBN. Và may mắn cũng chỉ đi cùng với người Hà Lan trong 116 phút cho đến khi Andres Iniesta ghi bàn trong tư thế trống trải.
|
Iniesta với cú sút mang lại sự hợp lẽ của bóng đá. |
Nếu như “Thánh” Johan Cruyff về nhì trong sự tiếc nuối cũng những người yêu bóng đá đẹp, thì lần này Hà Lan về nhì mà không có một giọt nước mắt tiếc nuối nào, ngoài những CĐV thật sự của Hà Lan. Bert van Marwijk rồi cũng sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích vì ông đã vứt bỏ bóng đá tổng lực, triết lý mà Rinus Michels đã đưa Hà Lan lên bản đồ bóng đá thế giới, để thay bằng… bạo lực tổng lực. Có rất nhiều cách thua nhưng có những cách khiến kẻ chiến bại trở thành anh hùng, cũng có cách khiến anh bị lãng quên.
Theo VTC News