Riêng 3 tháng cuối năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của 47 doanh nghiệp là 6.526 người. Lao động nữ vẫn chiếm ưu thế hơn nam. Trình độ lao động các doanh nghiệp cần tuyển chủ yếu là lao động phổ thông, không cần có bằng cấp chứng chỉ.
Theo Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động Lê Thị Quý (Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh), càng về cuối năm, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, điện tử, gia công cần tuyển dụng lao động thời vụ nhiều nhất với mức lương dao động từ 5-10 triệu đồng. Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp đã gặp phải khó khăn trong tìm kiếm lao động.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và giải quyết việc làm năm 2020 vừa được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, có gần 30 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký gian hàng tư vấn, tuyển dụng lao động.
Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Giám đốc Bộ phận quản lý sản xuất, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Hà Nam cho biết: Chưa năm nào doanh nghiệp tuyển dụng khó khăn như năm nay. Đối với Công ty, nhu cầu tuyển dụng lao động là thường xuyên, nhưng vào tháng cuối năm này do sản lượng tăng khoảng trên 35% sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên nhu cầu tuyển dụng tăng. Không tuyển được người, công ty phải tăng ca, người lao động tăng giờ làm và thu nhập.
Năm nay, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều doanh nghiệp bị hạn chế sản lượng từ tháng 4 đến hết tháng 7. Doanh nghiệp nào "khỏe" thì giữ chân được người lao động qua giai đoạn này, còn không người lao động vì phải nghỉ hoặc mất việc đã tìm kiếm việc làm mới ngay để duy trì cuộc sống. Trong khi, ở nhiều địa phương, các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp (KCN) cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn do mới đi vào hoạt động, người lao động có thể làm việc tại đó để gần nhà hơn, bớt chi phí đi lại, ăn ở khi phải thuê nhà. Vì thế, những doanh nghiệp trong KCN sẽ gặp khó khăn trong tuyển lao động.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Hà Nam, càng ngày trên địa bàn tỉnh càng có nhiều doanh nghiệp mới thành lập, đi vào hoạt động cần tuyển dụng lao động nhiều hơn. Trong khi lực lượng lao động tại chỗ ít thay đổi, số có việc làm đã ổn định tại doanh nghiệp, số lao động đến tuổi học đại học hoặc ở lại những thành phố lớn. Mức lương cơ bản năm nay không tăng, so với mặt bằng lương lao động các tỉnh trong khu vực thì Hà Nam vẫn thấp hơn. Vì thế việc tuyển dụng lao động đối với các doanh nghiệp sẽ càng ngày càng gặp khó khăn.
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Hà Nam cho biết, số người được giải quyết việc làm toàn tỉnh trong 9 tháng là gần 17.000 lao động, đạt trên 100% kế hoạch năm. Như vậy, nguồn lao động cho doanh nghiệp tuyển dụng không còn nhiều. Lựa chọn việc làm của người lao động giờ đây cũng có những thay đổi đáng kể.
Hầu hết chọn làm việc tại các doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt, có mức lương cao hơn mức sàn, bảo đảm các chế độ đãi ngộ với người lao động. Nếu doanh nghiệp nào không đáp ứng được những yêu cầu đó thì sẽ rất khó trong tuyển dụng. Cho dù năm 2020 là năm dịch bệnh tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước, nhưng người lao động tỉnh Hà Nam vẫn cơ bản tìm kiếm được việc làm, bảo đảm thu nhập và đời sống kinh tế gia đình.