Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thành phố Hà Nội theo hình thức BOT được thực hiện theo Quyết định số 3086/QĐ-BGTVT ngày 04/10/2013 của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, Dự án có tổng chiều dài khoảng 29km với điểm đầu tại Km182+300 (vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội) và điểm cuối Dự án tại Km211+256 (Km211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình); điểm cuối nhánh vuốt nối tại Km212+475 (đầu cầu vượt đường sắt trên nhánh nối vào QL1 cũ). Dự án có quy mô cấp đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN5729 – 2012 (có châm chước tĩnh không đứng dưới cầu vượt đường cao tốc và chiều dài dốc dọc theo TCVN 5729-1997), vận tốc thiết kế 100km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 mức đầu tư là 1,974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25,0m; Giai đoạn 2, mức đầu tư là 4,757 tỷ đồng, bao gồm xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp VI đồng bằng theo Tiêu chuẩn TCVN 4054-2005 (bề rộng nền đường 6,50m).
Đơn vị tài trợ vốn cho Dự án là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, liên danh đầu tư Cienco1 – Phương Thanh – Minh Phát, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ban Quản lý dự án Thăng Long – Bộ GTVT.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Lễ khởi công. |
Sáng ngày 20/7, Tại Lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến dự và phát lệnh khởi công công trình. Cùng dự có các đồng chí: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các cơ quan của Trung ương và địa phương.
Cũng tại Lễ khởi công, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ thuộc trục cao tốc Bắc – Nam, có vai trò rất quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao; nâng cao năng lực thông hành; cải thiện hệ thống giao thông đường bộ của các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hướng Hà Nội đi phía Nam; giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên QL1./.