Phó Cục trưởng Cục Giải quyết KNTC và thanh tra Khu vực I (Thanh tra Chính phủ) Trần Hữu Lợi cho biết, Hà Nội có lượng đơn thư nhiều nhất, giải quyết khối lượng công việc đồ sộ với nhiều vụ việc phức tạp nhất so với 25 tỉnh, thành phía Bắc.
Tuy nhiên, theo Phó Chánh Thanh tra TP.Hà Nội Bùi Văn Định, với nỗ lực và quyết tâm của chính quyền TP, nhất là tập trung đối thoại với dân nên “số vụ KNTC thuộc thẩm quyền giảm 10%, tỷ lệ giải quyết tăng 2% so với trung bình 5 năm trước; tỷ lệ công dân KNTC đúng hoặc đúng một phần có chiều hướng giảm dần qua các năm. Việc phải cải sửa các quyết định hành chính, quyết định giải quyết KNTC đã giảm đáng kể”.
Chỉ giải quyết hết thẩm quyền, chưa giải quyết dứt điểm
Mặc dù trong quá trình giải quyết KNTC vấn đề Hà Nội quan tâm đầu tiên là bảo về quyền lợi của người KNTC; thứ hai, “soi” lại để làm rõ lý do tại sao KNTC lại tăng, phức tạp như vậy, nhưng một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa gắn tiếp công dân với chỉ đạo giải quyết KNTC nên việc tiếp công dân còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Chất lượng giải quyết KNTC tại các đơn vị chưa đồng đều, các vụ có tính chất phức tạp giải quyết còn chậm.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh thừa nhận “nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác quản lý nhà nước chưa tốt”. Thực tế, một số cơ quan mới chỉ quan tâm “giải quyết hết thẩm quyền, chưa tập trung giải quyết dứt điểm”, trong khi việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý hành chính vi phạm bị tố cáo, các vụ việc tồn đọng còn chậm, gây bức xúc cho công dân, làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền các cấp.
Chờ giải thích luật…
Trước thực tế công tác giải quyết KNTC và đặc thù của Thủ đô, một năm, TP đối thoại trên dưới 1.000 vụ, cộng cả tiếp dân theo định kỳ và thường xuyên thì đó là một con số rất khổng lồ…, lãnh đạo TP.Hà Nội đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật về vấn đề “ủy quyền đối thoại với công dân trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại” để giảm KNTC, dành thời gian cho các công việc khác.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Chu Sơn Hà lưu ý: “Tất nhiên không phải việc nào cũng được ủy quyền đối thoại”. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, người ủy quyền phải là Chủ tịch UBND các cấp chứ không phải “thay mặt Ủy ban”, hồ sơ ủy quyền phải chặt theo quy định của pháp luật.
Các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuy “rất lấn cấn” trước đề xuất của Hà Nội vì nếu không để “ủy quyền” thì Hà Nội vẫn sẽ quá tải trong giải quyết KNTC. Theo qui định hiện hành không cấm nên có thể được ủy quyền đối thoại, nhưng cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để áp dụng thống nhất trên cả nước.
Xử lý kỷ luật 28 cá nhân, 12 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ
Năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan hành chính của TP đã tiếp 47.857 lượt công dân; thụ lý theo thẩm quyền 3.198 vụ; giải quyết 2.768 vụ, đạt tỷ lệ 87%. Nội dung KN TC chủ yếu vẫn liên quan đến đất đai.
Qua giải quyết KN TC đã thu hồi 2.268 triệu đồng, 9.008m2 đất; trả lại cho công dân 446 triệu đồng, 32.806m2 đất; điều chỉnh 36 phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, bổ sung 3 phương án tái định cư; thu hồi 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật 28 cá nhân, 12 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ.
UBND TP cũng tiếp nhận và xử lý 292 vụ việc do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyển đến; đã giải quyết 162 vụ, đạt tỷ lệ 72,97%.