Hà Nội có nên kéo dài giãn cách hay không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một tuần trở lại đây, số ca dương tính SARS-CoV-2 ghi nhận mỗi ngày tại Hà Nội có xu hướng đi ngang ở mức trung bình 50-60 ca, đáng chú ý, số ca bệnh ghi nhận tại cộng đồng giảm mạnh so với giai đoạn cao điểm trước đó. Trước tình hình này, liệu Hà Nội có nên kéo dài giãn cách hay không?.
Hà Nội trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Ngọc Nga
Hà Nội trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Ngọc Nga

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Bệnh viện Medlatec nhận định, tình hình dịch ở Hà Nội đã có chiều hướng giảm.

Theo GS.TS Trí, có thể nhận thấy rằng, những ngày vừa qua, số F0 ghi nhận được thấp hơn so với giai đoạn trước đây một tuần. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là số F0 giảm trong khi một tuần trở lại đây, Hà Nội đã mở chiến dịch xét nghiệm diện rộng, với số lượng mẫu được xét nghiệm lớn hơn trước.

“Chúng ta xét nghiệm nhiều hơn nhưng số lượng F0 phát hiện mới lại giảm xuống. Như vậy, chứng tỏ rằng, dịch ở Hà Nội có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, chưa thực sự bền vững. Vì vậy, Hà Nội vẫn cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch”, GS Trí nói.

Hà Nội đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao. Theo GS.TS Trí, đây là một chiến lược đúng hướng và mang tính chủ động của Hà Nội. Việc xét nghiệm diện rộng có chỉ định sẽ giúp tìm kiếm, phát hiện sớm nhất các F0 đang lẩn khuất trong cộng đồng, chưa kịp lây lan mạnh. Chiến lược này hỗ trợ đắc lực cho việc khoanh vùng, dập dịch.

Người dân ở những vùng có nguy cơ và những người có nguy cơ đều sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Ngọc Nga

Người dân ở những vùng có nguy cơ và những người có nguy cơ đều sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Ngọc Nga

“Điểm mới là Hà Nội đặt mục tiêu xét nghiệm khoảng một triệu người, ưu tiên những vùng có nguy cơ như vùng đỏ, vùng da cam. Thứ hai là có 13 nhóm đối tượng nguy cơ để tập trung xét nghiệm, trong đó có những người giao hàng, người làm dịch vụ, và các trường hợp phải phục vụ, tiếp xúc nhiều người. Từ lâu chúng tôi đã rất lo cho nhóm đối tượng này vì họ rất dễ nhiễm bệnh, khi thường xuyên tiếp xúc với nhiều người”, GS Trí phân tích.

Cũng theo GS.TS Trí: “Việc đưa những đối tượng này vào diện nguy cơ để xét nghiệm trước là quyết định đúng của Hà Nội. Bên cạnh đó, theo quan điểm của tôi, đây cũng là nhóm cần ưu tiên tiêm vắc xin. Chiến lược này có thể nhân rộng ra các tỉnh thành khác để giúp việc xét nghiệm sàng lọc đạt hiệu quả cao hơn và tránh lãng phí”.

“Theo tôi thành phố Hà Nội có nên kéo dài giãn cách hay không chờ thêm 2,3 ngày nữa. Nếu xét nghiệm trên diện rộng mà tỉ lệ người mắc COVID-19 vẫn giảm thì tốt, có thể tạm thời nghỉ không giãn cách khoảng 10 ngày. Nếu xét nghiệm mà tỉ lệ người mắc COVID-19 vẫn tăng nhiều có lẽ vẫn cần tiếp tục giãn cách”, GS.TS Trí bày tỏ quan điểm.

Theo CDC Hà Nội, 13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là:

Shipper (nhân viên giao hàng);

Người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc;

Nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng;

Lái xe khu công nghiệp, đường dài;

Bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể;

Công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc;

Người làm tại các kho hàng bán lẻ;

Người trực chốt kiểm dịch;

Lực lượng hỗ trợ chống dịch;

Nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Đọc thêm