Cho ý kiến tại Tọa đàm, các đại biểu nhất trí đánh giá, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (QH) về mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ.
TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, một trong những mặt được của Hà Nội là TP đã xử lý vấn đề quy hoạch phát triển đô thị tương đối tốt. Tuy nhiên, theo ông Kiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội chưa thực sự như mong muốn.
“Khi làm Nghị quyết 15 chúng tôi không mong Hà Nội sẽ dồn các nhà máy may, nhà máy nhuộm hay nhà máy lắp ráp điện tử vào Hà Nội mà chúng tôi kỳ vọng Hà Nội sẽ là một trung tâm khoa học công nghệ của cả nước, thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Và quan trọng là với tri thức và nguồn vốn của nhân dân, Hà Nội phải trở thành trung tâm tài chính của cả khu vực- chưa nói đến cả nước, để hỗ trợ cho các thành phần kinh tế phát triển”, ông Kiên nói.
Vẫn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, trong quá trình phát triển, Hà Nội cũng nhận thức được việc phát triển cơ sở hạ tầng để làm bước đột phá, đi đầu. Song đến nay, có thể thấy số lượng điểm lụt, ngập, úng trên bình quân diện tích ở các quận, huyện thiết kế từ thời Pháp ít hơn so với số điểm ngập khi mưa lớn ở các khu đô thị mới phát triển.
Theo ông Kiên, việc tăng dân số cơ học là chắc chắn khi Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế của cả nước, thu nhập bình quân của người lao động đơn giản ở Hà Nội cao hơn những người có đất, có công cụ lao động ở các tỉnh lân cận. Do đó, cần lường trước được vấn đề di dân tự do vào nội đô và giải pháp để xử lý vấn đề.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận vẫn còn nhiều bất cập đối với Thủ đô, trong đó có vấn đề giữa khối lượng công việc, nguồn lực và điều kiện kinh tế, thu nhập của lực lượng cán bộ…
Song, Hà Nội luôn xác định cần thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để làm được điều đó, theo ông Hùng, thời gian tới, Hà Nội xác định 3 vấn đề trọng tâm cần tập trung để tạo đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác.
Trong đó, trọng tâm đầu tiên là vấn đề quản lý, bao gồm quản lý quy hoạch trong vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị... “Phải làm sao đưa chất lượng công tác quy hoạch lên tốt nhất vì đây là “xương sống” để chúng ta triển khai tất cả các chương trình, đề án tiếp theo”, ông Hùng cho hay.
Khâu đột phá thứ hai được Hà Nội xác định là đầu tư hiện đại hóa toàn bộ kết cấu hạ tầng đô thị để phục vụ cho việc vừa phát triển kinh tế và đáp ứng được áp lực từ vấn đề gia tăng dân số. Vấn đề trọng tâm thứ ba được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề cập là nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai, an toàn giao thông, giáo dục, môi trường… Song song với đó, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục tạo trật tự kỷ cương trong quản lý, trong xã hội, cộng đồng; đảm bảo an ninh trật tự…