Theo số liệu được Sở Xây dựng TP Hà Nội thống kê và công bố, trên địa bàn TP hiện có 351 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), gồm: 176 nhà xây dựng bằng gạch trước năm 1990; 91 nhà vệ sinh vỏ thép được TP đầu tư giai đoạn 2003 - 2010; 84 nhà vệ sinh do doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt theo chủ trương xã hội hóa từ năm 2017.
Khảo sát của nhóm phóng viên Báo Truyền hình CLC K38 (Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho thấy, bên cạnh các nhà vệ sinh đáp ứng đầy đủ tiêu chí TP đặt ra như: miễn phí, sạch sẽ, phục vụ tốt, nhiều nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tồn tại không ít bất cập khiến việc vận hành chưa hiệu quả.
|
Lối vào đầy rác thải và bốc mùi hôi thối tại đường Lê Đức Thọ (Cạnh sân vận động Mỹ Đình). |
|
Nhà vệ sinh công cộng ven sông Tô Lịch gỉ sét tại bậc cửa, bên trong không được dọn dẹp. |
Tại một số đoạn đường như: ven sông Tô Lịch, ven hồ Tây, khu lân cận sân vận động Mỹ Đình,… tồn tại những NVSCC bị bỏ hoang và không thể sử dụng. Điều này không chỉ gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị mà trớ trêu thay khi chính những NVSCC nói trên lại trở thành những nơi gây ô nhiễm, mất vệ sinh.
Một trong những lí do đầu tiên có thể kể đến là do các NVSCC này không có người dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên và bị bỏ hoang nên lâu ngày chất ô nhiễm tích tụ và dưới tác động của môi trường, nhiều tấm thép vật liệu xây dựng đã bị hoen ố, gỉ sét, mọt...
“Tôi thường xuyên đi tập thể dục ở đây, mấy lần định vào NVSCC nhưng không dám bước vào bởi mùi hôi thối. Kể cả lối vào cũng có rất nhiều rác thải. Tôi không hiểu nó tồn tại ở vị trí đắc địa như vậy để làm gì khi mà không ai dám sử dụng?” – cô Nguyễn Vũ Như Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc.
|
NVSCC "cửa đóng then cài", không có "nhu cầu phục vụ người dân". |
Tình trạng NVSCC "cửa đóng then cài", không được đưa vào sử dụng dù bên ngoài nhìn khá mới cũng không ít. Điều này khiến nhiều người dân có nhu cầu không được sử dụng. Và cùng với những NVSCC bị bỏ hoang, khu vực đặt NVSCC lại bị trưng dụng cho những mục đích khác như nơi quảng cáo bất đắc dĩ, làm nơi tập kết rác thải, đỗ xe trái quy định, thậm chí bị trưng dụng làm nơi ở cá nhân...
Anh Hoàng Nhật Minh – chủ một quán cafe ở ven Hồ Tây cho biết: “NVSCC ở đây bị bỏ hoang lâu rồi, nên cô lao công thấy vậy đã dọn dẹp để làm chỗ ở riêng. Mọi người ở đây đều thấy không nên những cũng không ai lên tiếng.”
|
NVSCC ở ven Hồ Tây được trưng dụng làm nơi ở cá nhân. |
Cần tăng cường công tác quản lý, duy trì
Tính đến nay đã là 4 năm kể từ ngày dự án xây dựng 1000 NVSCC được triển khai trên địa bàn TP Hà Nội nhằm phục vụ người dân, đảm bảo mỹ quan đô thị, với chi phí từ 600 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/NVSCC. Thế nhưng, tình trạng hàng loạt NVSCC bị bỏ hoang, mất vệ sinh hoặc lắp đặt cho có đã khiến mục tiêu của Dự án là giải quyết nhu cầu người dân, hướng tới môi trường xanh - sạch - đẹp cho thủ đô đang dần không đạt được.
|
NVSCC ở khu vực Mỹ Đình bị rác thải "bao vây" |
Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong quá trình triển khai dự án xã hội hóa lắp đặt 500 NVSCC trên địa bàn, Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc Công ty Vinasing đẩy nhanh tiến độ lắp đặt. Tuy nhiên, chủ đầu tư triển khai quá chậm so với cam kết; sự phối hợp giữa Công ty với chính quyền các địa phương không chặt chẽ...
Trước thực trạng nói trên, có thể thấy vấn đề NVSCC bỏ hoang thực sự là một “bài toán khó” không chỉ với cơ quan có thẩm quyền mà còn với các đơn vị chủ thầu. Để phát huy đúng mục tiêu của Dự án xây dựng 1000 NVSCC và vì môi trường của Thủ đô, các cơ quan chức năng cần có biện pháp phù hợp để bảo quản, duy trì và khai thác sử dụng hiệu quả các khu NVSCC có giá trị cả trăm triệu đến tỷ đồng này.