Hà Nội đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh

(PLO) - Tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp ngày 17/5/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết sẽ tích cực đối thoại, giải quyết vướng mắc, xây dựng nền hành chính hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất.
Hà Nội đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư

Nỗi lo “quan ở xa, bản nha thì gần”

Thực tế cho thấy, dù đã có những nỗ lực cải cách nhưng thực tế còn cách xa so với yêu cầu và so với chuẩn mực tiên tiến của thế giới và khu vực ASEAN. Thủ tục hành chính còn rườm rà, môi trường kinh doanh chưa thật sự minh bạch, chi phí không chính thức còn khá lớn; một số thủ tục hành chính còn thiếu tính liên thông và sự phối hợp trong quá trình thực hiện; không ít cán bộ công chức làm việc thiếu tích cực, thiếu trách nhiệm, cá biệt một số công chức còn sai phạm trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính, phát ngôn không đúng quy định.

Khoảng 4,9 triệu hộ kinh doanh hiện nay, không mong muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) trước những áp lực về thuế, phí, gánh nặng về tuân thủ thủ tục và những vướng mắc do quá tải bị thanh tra, kiểm tra.

Cũng vì môi trường kinh doanh hiện nay chưa thực sự thông thoáng, minh bạch, nên tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ cộng đồng DN năm 2017 vừa qua đã có nhiều “tiếng kêu” từ DN rằng tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi; chỉ cần vấp phải sự tắc trách của một số nhân viên cỡ phường thôi cũng đủ làm lao đao DN, thậm chí không dám làm vì sợ họ phật ý, trong khi đó “quan thì xa, bản nha thì gần”.

Từ thực trạng trên, TP Hà Nội xác định năm 2017 là “năm kỷ cương hành chính”, trong đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân và DN của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức góp phần đưa thành phố vào nhóm đầu các địa phương có chất lượng điều hành khá, tăng chỉ số xếp hạng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đó cũng là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trong thông điệp đầu năm Đinh Dậu vừa qua.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi vì doanh nghiệp

TP Hà Nội cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2017 cung cấp 40-50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, qua đó đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa những thủ tục không cần thiết; rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện và kịp thời đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ công, nhất là khâu đăng ký kinh doanh, tiếp tục giảm thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký và thái độ, tính chuyên nghiệp của cán bộ nghiệp vụ. Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội đã thành lập bộ phận đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, người dân và DN tiến hành làm thủ tục được hướng dẫn tận tình. Đây là cách làm có hiệu quả cần được duy trì.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân (KTTN) trên địa bàn Hà Nội còn bao gồm việc tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi 2014, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ 1/1/2017; kiến nghị Quốc hội lần thứ XIV thảo luận và thông qua Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ cũng như nghiên cứu và ban hành mới các luật có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho KTTN được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện và thực hiện các chính sách của thành phố về ưu đãi, khuyến khích để hỗ trợ DN phát triển, nhất là đối với những DN kinh doanh sản phẩm mới, có độ rủi ro cao, những sản phẩm sạch, mang lại giá trị gia tăng cao, sản phẩm thuộc công nghiệp phụ trợ. Trong đó tập trung tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt các chính sách đối với DN nhỏ và vừa, phát triển nông nghiệp nông thôn, ngay cả đối với các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với DN.

Triển khai thực hiện đầy đủ Chỉ thị 20/2017/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tránh tình trạng kiểm tra, thanh tra chồng chéo của các đơn vị liên ngành, các cơ quan chức năng như công an, thuế, thanh tra, theo đó DN chỉ bị kiểm tra, thanh tra, kiểm toán 1 lần trong năm, được tiến hành đồng thời bởi các cơ quan thuế, tài nguyên và môi trường, xây dựng, công an, kiểm toán, thanh tra, thay vì có những DN bị thanh tra 3 lần/ năm, thậm chí có năm thanh tra 11-12 lần, gây bức xúc cho DN, tăng gánh nặng về chi phí và tốn kém thời gian, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Về cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng và mềm, mặc dù Hà Nội cùng với cả nước đã rất chú trọng đầu tư xây dựng nhưng nhìn chung vẫn còn kém phát triển. Do vậy, yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các DN cũng đang là yêu cầu cấp bách được đặt ra hiện nay, nhất là đối với hạ tầng kỹ thuật. Lĩnh vực đăng ký kinh doanh của KTTN luôn đặt ra yêu cầu phải đổi mới để phù hợp với thực tiễn và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, bao gồm đổi mới về khung pháp lý, chất lượng đội ngũ và hạ tầng kỹ thuật.

Phải tiếp tục nâng cấp hệ thống thông tin toàn thành phố về đăng ký kinh doanh, cho phép DN thực hiện đăng ký kinh doanh trực tuyến, trong đó tăng hơn các quy trình cấp độ 3 trở lên và chiếm tỷ trọng cao các quy trình cấp độ 4. Đồng thời công khai hóa hoàn toàn quy trình đăng ký DN cũng như tình trạng hồ sơ DN trên hệ thống để cộng đồng được biết, cập nhật việc xử lý hồ sơ của cơ quan đăng ký kinh doanh. Tích cực thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ sử dụng phương thức đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử của cả nước theo yêu cầu Nghị quyết số 360/NQ-CP của Chính phủ; Hà Nội cần phấn đấu nâng cao tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử năm 2017 đạt 35-40%, cao hơn mức dự kiến của cả nước là 30%. 

Đọc thêm