Ngày 19/12 vừa qua, quận Thanh Xuân (Hà Nội) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình bắt chó thả rông, phòng trừ bệnh dại trên địa bàn. Quận Thanh Xuân là nơi đầu tiên ở Hà Nội thực hiện mô hình đội săn bắt chó thả rông, phòng bệnh dại. Thống kê toàn quận có hơn 2.300 con chó nuôi của các hộ dân trên địa bàn. Tình trạng chó thả rông, phóng uế xảy ra phổ biến khiến người dân bức xúc. Thậm chí, tháng 8/2018 còn xảy ra vụ người đàn ông bị chó Bec-giê cắn tử vong.
Bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Thú y Thanh Xuân cho biết, sau ba tháng triển khai, 9 đội phản ứng nhanh của quận đã bắt giữ 12 con chó, xử phạt các chủ nuôi tổng số tiền 6,3 triệu đồng. Trong đó, 3 con chó không có người nhận được đưa về Trung tâm nghiên cứu và bảo vệ vật nuôi để tìm chủ mới.
Theo bà Hương, hiện tình trạng chó thả rông không rọ mõm trên địa bàn đã giảm tới 70% so với trước đây; hoạt động của các đội phản ứng nhanh nhận được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, mô hình thí điểm này còn nhiều hạn chế vì phương tiện và dụng cụ bắt tự chế thô sơ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người làm nhiệm vụ. Thành viên đội bắt chó đều từ bảo vệ dân phố lớn tuổi, chưa có trang phục riêng để nhận diện, dụng cụ bảo hộ.
“Nhiều con chó to, hung dữ gây nguy hiểm nên chúng tôi không thể bắt được. Nếu thú y thành phố đầu tư xe và dụng cụ chuyên dụng như TP HCM sẽ an toàn hơn”, ông Lê Bá Mão, đội trưởng săn bắt chó thả rông phường Khương Đình (Thanh Xuân) đề xuất.
Bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân đánh giá mô hình bắt chó thả rông đã đạt được hiệu quả tích cực. Đầu năm 2019, quận sẽ tổ chức mô hình này tại tất cả 11 phường vì để giảm tình trạng chó thả rông nhất thiết phải thu gom, biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở không đạt hiệu quả cao.
“Quận nhận thấy cái được lớn nhất là ý thức, trách nhiệm của chủ nuôi đã được nâng lên chứ không phải nhìn vào việc bắt phạt được bao nhiêu con. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại là sự an toàn của anh em làm nhiệm vụ. Đặc biệt trường hợp bắt những con chó cảnh trị giá lên tới cả trăm triệu, không may chó bị thương hoặc chết, sẽ phát sinh tranh chấp dân sự và phản ứng dữ dội của chủ nuôi”, bà Trang nói. Theo bà Trang, thành phố cần có văn bản hướng dẫn chi tiết để tạo cơ sở pháp lý giúp đội bắt chó thả rông “tự tin” trong hoạt động.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội cho hay, ông đã trực tiếp đi tham khảo mô hình bắt chó thả rông ở TP HCM. Đầu năm 2019, đơn vị sẽ thành lập đội săn bắt chó thả rông chuyên nghiệp. Hiện thú y Hà Nội đã chuẩn bị hai điểm lưu giữ ở Thanh Trì và Thường Tín để chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho chó thả rông bị thu gom.
Chi cục trưởng Thú y Hà Nội cũng khẳng định sẽ tham mưu, đề xuất với UBND thành phố một số cơ chế thực hiện để giải quyết những vấn đề phát sinh như “kinh phí chăm sóc, nuôi nhốt, nếu chó chết thì xử lý thế nào?”.