Chiến lược Phát triển Chiến lược nghề LS (LS) đến năm 2020 trên địa bàn TP Hà Nội đang được Sở Tư pháp TP Hà Nôi lấy ý kiến đưa ra nhiều định hướng quan trọng để nghề LS “giành được chỗ đứng vững chắc” trên thị trường dịch vụ pháp lý trong nước, dần tiến tới “bằng bạn bằng bè” trong khu vực và trên thế giới.
Trao giải thưởng vinh danh nghề luật sư. |
Thêm 1.000 LS có còn thiếu “thầy cãi”?
Cũng giống tình trạng chung của giới LS cả nước, thời gian qua, giới LS TP vẫn đang phải ngậm ngùi “nhường” LS nước ngoài làm đại diện, tư vấn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong phần lớn các vụ tranh chấp thương mại quốc tế bởi... chưa đủ khả năng đảm nhiệm.
“Đây là một thực tế đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ. TP Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện về cơ chế, nguồn lực… để hỗ trợ các tổ chức hành nghề LS phát triển nghề nghiệp của mình. Vấn đề là các LS, các tổ chức hành nghề LS thực hiện như thế nào?” – bà Trương Thị Nga , Phó Giám đốc Sở Tư pháp- nhấn mạnh.
Từ suy nghĩ đó, góp ý xây dựng một chiến lược phát triển nghề LS cho TP, các LS đều xác định “không nên chạy theo số lượng mà phải chú trọng đến chất lượng” để phát triển đội ngũ LS trong nước cho “bằng bạn bằng bè”, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Làm được như vậy, không chỉ đáp ứng mục tiêu đến năm 2015, phát triển thêm 1.000 LS (mỗi trung bình 200- 300 LS/năm) mà còn tạo cơ hội để giới LS khẳng định vai trò trong xã hội trong điều kiện nền kinh tế đã hội nhập thế giới.
Tuy nhiên, LS.Đào Ngọc Chuyền - Giám đốc Cty Luật Đào và đồng nghiệp- băn khoăn, “có “liều thuốc” nào tốt hơn để tạo chuyển biến tích cực về chất lượng LS khi đạt được mục tiêu phát triển thêm 1.000 LS?”, không để tình trạng “nhiều LS mà vẫn thiếu “thầy cãi” khi người dân, tổ chức cần.
Lửng lơ mục tiêu về tổ chức hành nghề
Đánh giá chung của Bộ Tư pháp sau 5 năm thực hiện Luật LS thì đa số các tổ chức hành nghề LS trên cả nước, kể cả ở các thị trường “béo bở” cho nghề LS như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... thì tổ chức hành nghề LS chủ yếu vẫn ở qui mô nhỏ, thậm chí số tổ chức hành nghề LS có 1-3 người không hiếm. Qui mô nhỏ sẽ khó có hoạt động “tầm vóc” nên “cải thiện” qui mô tổ chức hành nghề LS cũng là một “đòn bẩy” để kích chất lượng hoạt động LS.
Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2015, “có 5 tổ chức hành nghề LS có quy mô từ 50 đến 100 LS” và coi đó là “cột mốc quan trọng, là bước ngoặt trong chiến lược phát triển LS trên địa bàn TP.Hà Nội”, để từ sau 2015, nghề LS của TP sẽ hoạt động và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, tập trung vào nâng cao và hoàn thiện chất lượng, tiệm cận và dần tham gia vào dịch vụ pháp lý khu vực và thế giới.
Song với mục tiêu này, Hà Nội dường như đang “lạc quan tếu” khi đã đi qua gần nửa năm 2012 cả TP chưa hề có một tổ chức hành nghề LS có qui mô đến 50 LS. Vậy trong vòng 3 năm (đúng ra là chỉ còn khoảng 2,5 năm), Hà Nội sẽ làm thế nào để có được 5 tổ chức hành nghề LS có 50 LS thực sự mà không phải chỉ là sự “tập trung cơ học” các LS vào 1 tổ chức cho đủ “quân số” theo kiểu “đủ bát đủ mâm”?. Câu hỏi này đang lơ lửng, chưa thể có lời giải đáp khi bản thân giới LS của Hà Nội ngơ ngác cân nhắc giữa mục tiêu với thực lực của mình.
“Ghé vai” cùng giải quyết
Phát triển nghề LS, nhất là trên địa bàn Thủ đô, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ về nhân sự, thời gian, tuyên truyền, phổ biến nâng cao vị trí, vai trò của LS, động viên các nguồn lực, đa dạng hóa các nguồn lực… Nhìn nhận từ thực trạng hoạt động của LS và các tổ chức hành nghề LS như hiện nay, LS.Bùi Sinh Quyền - Trưởng VPLS Phúc Thọ- cho rằng, “mọi người cần “ghé vai” vào mà gánh vác, giải quyết, đưa ra giải pháp thực hiện qua lộ trình chi tiết, cụ thể, chứ không thể đưa ra các giải pháp khẩu hiệu, chung chung” mà mong có được đội ngũ LS “như ý”.
Một lần nữa, giới LS đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hành nghề LS trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nghề LS. Dù Học viện Tư pháp đang là cơ sở duy nhất và sẽ tiếp tục được nâng thành trung tâm đào tạo lớn nhất trong cả nước về đào tạo nghề LS nhưng việc đào tạo theo kiểu “truyền nghề” ở các tổ chức hành nghề LS mới thực sự giúp các LS tương lai có những kỹ năng “sát sạt”, đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi với thực tiễn của nghề và của bản thân tổ chức hành nghề. Từ đó, họ cũng nhanh chóng trưởng thành trong nghề nghiệp. Ngược lại, bản thân các LS khi “dạy nghề” cho đội ngũ kế cận cũng tự rút kinh nghiệm, tự trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng nghề của mình. Đó là hiệu quả của biện pháp “một công đôi việc” trong phát triển “chất” cho đội ngũ LS.
Tuy Chiến lược phát triển nghề LS còn gặp nhiều vấn đề “va vấp”, nhưng việc phát triển được đội ngũ LS “đủ tâm, đủ tầm” và có thể “vượt trội” so với các địa phương khác vẫn là một nhiệm vụ quan trọng đối với Hà Nội để thị trường dịch vụ pháp lý của Thủ đô không bị yếu tố “ngoại” lấn át và đội ngũ LS của Hà Nội nói riêng, của cả nước nói chung không chỉ là lực lượng “phụ trợ” ngay trên “sân nhà” cho các đồng nghiệp đến từ các nước có nền pháp lý và nghề LS lâu đời. |
Huy Anh