Hà Nội lập các tổ công tác 'gỡ vướng' trong cấp 'sổ đỏ'

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, để việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận hoặc lập hồ sơ quản lý đối với các thửa đất còn tồn đọng hoàn thành từ nay đến tháng 6/2017 và trong năm 2016 phải thực hiện xong việc cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đối với diện tích đất nông nghiệp đã dồn điền đổi thửa, các đơn vị liên quan phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt phương châm “rõ người - rõ việc- rõ trách nhiệm - rõ quy trình - rõ hiệu quả.”
Ảnh minh họa từ Internet.
Ảnh minh họa từ Internet.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành chức năng, các quận, huyện, thị xã tự rà soát bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận để phân công lãnh đạo phụ trách và vị trí việc làm của từng cán bộ; công khai quy trình, thủ tục, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân dễ dàng nhận diện và tiếp cận minh bạch.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND và Quyết định số 37/2015 /QĐ-UBND với nguyên tắc giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2016.

Song song với việc duy trì hoạt động của Tổ công tác liên ngành thực hiện phân loại cụ thể các dạng khó khăn, vướng mắc đề xuất phương án, thẩm quyền xử lý đối với từng trường hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập từ 3-5 tổ công tác trực tiếp xuống UBND các quận, huyện, thị xã (đặc biệt là các địa phương chậm thực hiện, số lượng tồn đọng lớn) để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hộ gia đình, cá nhân tại khu vực dân cư.

Đồng thời, thông báo công khai tới các tổ chức sử dụng đất để hoàn tất các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với các trường hợp đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận xong trong tháng 6/2017. Trường hợp không thực hiện kê khai đăng ký đất đai, sau ngày 31/12, Sở tổ chức thanh tra xử phạt theo quy định của pháp luật.

Cũng theo chỉ đạo của UBND thành phố, Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBNDcác quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác cấp Giấy chứng nhận, kịp thời xử lý, khắc phục vi phạm.

Nếu phát hiện trường hợp cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị nào nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, làm chậm tiến độ thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, tổ chức và công dân thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa, tính đến ngày 30/8, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận cho 1,5 triệu thửa đất và căn hộ; trong đó 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và kê khai đăng ký được cấp giấy, đạt 90% số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư.

Hà Nội hiện có 178.278 căn hộ thuộc dự án phát triển nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội), trong đó có 137.257 căn đã được cấp Giấy chứng nhận, đạt 77%. Ngoài ra, đã cấp Giấy chứng nhận 12.403 thửa đất cho các tổ chức, đạt 64,4%; 358 thửa cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và cấp Giấy chứng nhận cho các thửa đất thực hiện dồn điền đổi thửa đạt 37,7%.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết hiện các huyện, thị xã đang tập trung mọi nhân lực, vật lực để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ cấp Giấy chứng nhận. Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cũng như các chi nhánh huy động tối thiểu 50% cán bộ, nhân viên làm việc cả thứ bảy và chủ nhật; trong đó Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm cân đối, bố trí cán bộ linh hoạt, kịp thời tùy vào lượng hồ sơ giữa văn phòng đăng ký các chi nhánh nhằm đảm bảo tối đa hiệu quả công việc.

Sở đang tiếp tục rà soát tất cả cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như phầm mềm phục vụ công tác in, vẽ Giấy chứng nhận nhằm phát hiện những khó khăn, vướng m ắ c để giải quyết kịp thời, đặc biệt phải có bộ phận theo dõi hòm thư điện tử để tiếp nhận, xử lý thông tin.

Về công tác quản lý, sử dụng và cấp phát phôi giấy, Sở yêu cầu Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã phải có kế hoạch chủ động thường xuyên báo cáo về tình hình thực tế tại địa phương để điều chỉnh lượng cấp phát phôi giấy cho phù hợp, tránh để tình trạng thiếu phôi giấy, không in được Giấy chứng nhận.

Văn phòng trung tâm cũng như các chi nhánh hàng tuần phải có báo cáo về tiến độ triển khai công việc cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, quyết tâm đảm bảo tiến độ thành phố giao.

Đọc thêm