Talkshow: “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu & ra mắt cuốn sách cùng tên” của tác giả Trung Sỹ do Sống - nhà sách Tác giả Việt tổ chức hưởng ứng sự kiện Hội sách Hoàng thành Thăng Long 2019 đã đem đến cho độc giả - những người yêu sách và đặc biệt có tình yêu với Hà Nội những kí ức chân thực về Hà Nội thời bao cấp.
Cuốn sách là hồi kí ghi lại những kỉ niệm của nhà văn Trung Sỹ từ khi còn là một cậu bé Hà Nội cũ, chứng kiến đất nước chuyển mình qua từng giai đoạn, từng cột mốc.
Bằng giọng văn chân chất, trào phúng của mình, tác giả gom góp lại ký ức của một cậu bé Hà Nội cũ, viết lại những khó khăn, gian khổ của ngày đi sơ tán, niềm hạnh phúc với chiếc mũ rơm, nỗi khó hiểu cho những chiếc tem phiếu và những người lạ đến ở nhà mình. Thành phố từng vất vả, ngây thơ và ấu trĩ bởi những sai lầm nhưng vẫn lấp lánh tình người dù xung quanh còn nhiều nỗi lo toan, hoài nghi, trăn trở về thế sự.
Hà Nội trong tác phẩm của Trung Sĩ không hoa lệ như trong những dòng văn của Thạch Lam, cũng không lãng mạn tình tứ như “Sương giăng Hồ Tây trăng”. Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung hiện lên trong ký ức tác giả không chỉ lưu lại những khoảnh khắc đẹp, mà còn mở ra cho chúng ta cả một bảo tàng về chiến tranh, bao cấp và những ngày sơ tán về quê trong hai thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước.
Tuổi thơ của Trung Sỹ trong “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” gắn với tem phiếu, với phiếu gạo phiếu dầu mẹ phải đong đếm từng chút một. Với mũ rơm tránh đạn khi về quê sơ tán, cũng là chiếc mũ rơm hôm qua vẫn thấy bạn cùng bàn mình đội, mà hôm nay đã nghe tin nó dẫm phải mìn sẽ không về nữa.
Tuổi thơ của Trung Sỹ trong cuốn hồi kí được kể lại bằng một giọng bình tĩnh nhưng ẩn chứa bên trong là nỗi đau buồn tiếc nuối cho những năm tháng và phận người ấy. Không những vậy, tuổi thơ của Trung Sỹ cũng chính là những niềm băn khoăn của một đứa trẻ trong gia đình tư sản dân tộc cũ về thời thế, xã hội khi ấy.
Phần kết của cuốn sách, đâu đó người ta vẫn cảm thấy sự trăn trở, khắc khoải và băn khoăn của tác giả. Chia sẻ về điều này, tác giả Trung Sỹ cho biết: “Tất cả những thành phố không riêng gì Hà Nội đều có một tiến trình thay đổi, có những ngày sẽ trôi qua và có những ngày sẽ đến, chúng ta sẽ nhìn thấy sự thay đổi theo thời gian ấy một cách rất bình thường. Những lớp người đi trước như chúng tôi đều không mong muốn lớp trẻ sẽ phải sống lại trong thời thiếu thốn như vậy nữa”.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ về cảm xúc của mình khi đọc cuốn sách: “Nhà văn viết về Hà Nội hiện nay rất nhiều nhưng ít ai viết được một cách chân thực nhất và sinh động, lôi cuốn nhất như “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” của Trung Sỹ. Mạch văn trong tác phẩm này mang một tính phổ quát chung về Hà Nội. Tôi tin rằng cuốn sách này lớp trẻ sẽ tìm đọc để học được một thời cha ông ta đã sống như thế nào”.