Chưa hết lo ngại sự quay trở lại của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), ngành y tế Hà Nội lại phải gồng mình chống đỡ trước sự gia tăng và lây lan ngày càng mạnh của dịch bệnh tay chân miệng (TCM). Trong khi đó, ý thức của người dân đối với việc phòng chống hai bệnh dịch này chưa được cải thiện là bao.
|
Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ dịch TCM |
Dịch chồng dịch…
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn TP đã ghi nhận trên 4.000 ca mắc TCM, tăng gấp 6 lần so với năm ngoái. Với sự gia tăng đột biến này, Hà Nội hiện là địa phương đứng thứ 2 ở khu vực miền Bắc (sau Hải Phòng) và thứ 3 của cả nước về số ca mắc. TS Nguyễn Nhật Cảm, PGĐ TTYTDP Hà Nội cho hay, nếu như năm ngoái, bệnh chủ yếu tập trung ở các quận nội thành thì năm nay, lại lây lan chủ yếu tại các huyện ngoại thành.
Tính đến nay, Hà Nội có 327 ổ dịch tại 26 quận, huyện, trong đó 240 ổ dịch cộng đồng và 87 ổ dịch tại trường học. Số ca mắc đặc biệt tăng cao vào dịp học sinh tựu trường. Cụ thể, tính từ đầu tháng 9 đến nay, trung bình mỗi tuần Hà Nội ghi nhận 120-130 ca TCM. “Dự báo, từ nay đến cuối năm, bệnh dịch sẽ tiếp tục có số ca mắc cao, diễn biến phức tạp, khó lường. Nếu không làm tốt công tác phòng chống, nguy cơ Hà Nội sẽ trở thành “điểm nóng” về dịch bệnh TCM, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh” – TS. Nguyễn Nhật Cảm lo ngại nhận định.
Về dịch bệnh SXH, TTYTDP Hà Nội đã ghi nhận gần 600 trường hợp mắc từ đầu năm đến nay. Và tháng 10 được coi là “đỉnh dịch” đúng như đã dự báo. Hiện toàn thành phố đã có trên 100 ổ dịch sốt xuất huyết, số người nhập viện do bệnh này có xu hướng tăng lên. Cơ quan chức năng lo ngại cảnh báo, nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch, Hà Nội sẽ bùng phát dịch SXH, bởi nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn. Trong lúc dịch bệnh SXH đang bùng phát mạnh, người dân Thủ đô và cả nước hoang mang hơn trước thông tin xuất hiện loài muỗi hổ Châu Á ở một số tỉnh Miền Trung.
Trước tin đồn này, TS. Nhật Cảm cho biết, muỗi hổ châu Á có tên gọi khoa học là Aedes albopictus thuộc loài muỗi Aedes. Thực tế, lòa muỗi Aedes albopictus có mặt ở khắp nơi trên thế giới, đã được nghiên cứu và khảo sát từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Muỗi này cũng có thể đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước tạm thời trong nhà nhưng mức độ ít hơn là loài muỗi Aedes aegypti. Mặc dù gọi là muỗi hổ châu Á nhưng nó là một loài muỗi nhỏ con, có sọc trắng chạy dài từ đầu dọc theo lưng và ra tận phía sau chân, thân muỗi có khoang trắng.
Đặc điểm sinh lý, sinh thái của loài muỗi hổ châu Á là rất hiếu chiến, năng động, thường hoạt động đốt người giữa ban ngày và đặc biệt là vào lúc rạng đông hoặc khi trời về chiều vừa chợp tối.Vì vậy cần biết những đặc điểm, tập tính này của muỗi để thực hiện các biện pháp phòng chống đốt có hiệu quả. Cũng theo TS Cảm, muỗi vằn Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh SXH Dengue. Tuy vậy, loài muỗi Aedes albopictus cũng có khả năng truyền bệnh, nhưng đối với bệnh SXH thì khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu.
Chưa nâng cao ý thức phòng chống…
Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, TCM là bệnh do vi-rút đường ruột, lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nốt phỏng, phân của người nhiễm vi-rút (gồm cả người lành mang trùng và người bệnh). Hiện tỷ lệ người lành mang trùng cao tới 71% trong các ổ dịch, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần.
Nếu như năm ngoái, bệnh chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam thì năm nay số ca mắc tại các tỉnh phía Bắc chiếm trên 50%. Trong khi căn bệnh này vẫn chưa có vắc-xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu thì việc phòng bệnh phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của cộng đồng. Đối với bệnh dịch SXH cũng vậy, chỉ cần nâng cao hơn ý thức phòng chống dịch, dịch bệnh sẽ không bùng phát mạnh như vậy.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, đa số người dân vẫn chưa nâng cao ý thức phòng chống dịch, nhất là các trường mầm non (chủ yếu là các trường tư thục). Đây không phải là dịch bệnh mới, và đã được tuyên truyền rất nhiều rồi, nhưng nhiều phụ huynh học sinh không hiểu về cơ chế lây bệnh, tỏ ra chủ quan trong việc phòng bệnh cho con.
Tại nhiều bệnh viện trên địa bàn, mặc dù trẻ được đưa đến khám có những biểu hiện bệnh rất rõ ràng, nhưng có phụ huynh vẫn không biết con em mình mắc TCM. BS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Cấp cứu lưu BV Nhi T.Ư cho hay, nhiều bà mẹ thấy trẻ bị các nốt phồng rộp ở tay, chân, miệng, lưỡi, nghĩ con bị phỏng rạ hay bệnh ngoài da nên tự điều trị bằng thuốc nam, thậm chí có người còn mua kháng sinh cho con uống. Chỉ khi thấy con sốt cao, có những biểu hiện biến chứng mới cho con đến BV.
Trà Long