Kinh doanh gian dối?
Hợp tác xã Công nghiệp thực phẩm Sóc Sơn (Nhà máy bia VIHA), địa chỉ tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội được thành lập năm 1997 và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với ngành nghề sản xuất bia gồm các sản phẩm bia chai nhựa, bia đóng bom và bia keg mang thương hiệu VIHA. Nhà máy có một xưởng sản xuất với hơn 50 xã viên, là những cổ đông của nhà máy.
Các sản phẩm bia VIHA được gần 500 khách hàng gồm các đại lý lớn, nhỏ và bán lẻ vận chuyển, phục vụ trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh như: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Tĩnh v.v. Hợp đồng phân phối sản phẩm được nhà máy ký kết với các đại lý đều đặn hàng năm.
Nhằm khuyến khích các đại lý bán hàng, nhà máy có chính sách trả thưởng bằng sản phẩm cho những đại lý bán được từ 10.000 lít bia trở lên trong một tháng, mức thưởng được tính theo ba mức: 1%, 2% và 3% (tương ứng với 10.000 lít, 20.000 lít và 30.000 lít trở lên). Ngoài ra, nhà máy còn trả thưởng bằng tiền mặt trong dịp tổng kết cuối năm, có đại lý được thưởng cao nhất là 25 triệu đồng.
Tuy nhiên, điều mà các đại lý hết sức bức xúc là mặc dù toàn bộ giao dịch, thanh toán giữa đại lý với nhà máy chỉ thông qua sổ giao nhận hàng, phần lớn hàng hóa không có hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) nhưng nhà máy vẫn thu tiền bia với giá 5900 đồng/lít (trong hợp đồng là 4800 đồng/lít).
Một đại lý cấp I (xin được giấu tên) cho phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam biết, đại lý của chị phân phối bia VIHA từ năm 2005 đến cuối năm 2016, hàng năm tiêu thụ khoảng 200.000 lít bia cho nhà máy. Tuy nhiên, khi chị đòi hỏi hóa đơn GTGT cho mỗi lần nhập bia thì đều không được đơn vị đáp ứng, hoặc nếu có viết thì cũng để trống ngày, tháng nhằm quay vòng hóa đơn, số lượng, giá tiền ghi trong hóa đơn cũng không đúng với thực tế thu. Đơn cử trong năm 2016 nhà máy chỉ xuất cho đại lý của chị 03 hóa đơn GTGT với tổng khối lượng 6410 lít bia, số tiền trên hóa đơn là hơn 30 triệu đồng và số tiền thuế GTGT là hơn 3 triệu đồng.
Thế nhưng,theo ước tính của đại lý này, với khối lượng trung bình 200.000 lít bia đại lý tiêu thụ trong một năm, số tiền thanh toán cho nhà máy khoảng 960 triệu đồng, như vậy số tiền thuế nhà máy phải nộp vào ngân sách khoảng 96 triệu đồng.
Với cách thức gian dối trên, đại lý khẳng định Nhà máy bia VIHA đã trốn hàng tỷ đồng tiền thuế phải nộp mỗi năm nếu cộng tất cả các đại lý.
Chối bỏ sai phạm?
Trước thông tin sai phạm của Nhà máy bia VIHA, với những chứng cứ, số liệu cụ thể có trong tay, ngày 14/9/2017 vừa qua phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo đơn vị này. Tuy nhiên, không chỉ không thừa nhận bất cứ sai phạm gì từ phía nhà máy và lấy lý do toàn bộ hồ sơ, tài liệu, sổ sách của nhà máy đang bị cơ quan công an kinh kế huyện Sóc Sơn thu giữ phục vụ công tác điều tra, ông Đỗ Văn Lộc - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã không cung cấp bất cứ số liệu, thông tin nào cho phóng viên khi được đề nghị.
Khi được hỏi về doanh số của các đại lý có trong danh sách được thưởng hàng tháng cũng như tổng sản lượng của nhà máy trong từng năm, ông Lộc quay ngoắt, giải thích rằng doanh số của các đại lý được thưởng hàng tháng thực tế không đạt được nhiều như vậy mà nhà máy đã phải nâng khống lên từ 5 đến 10 lần nhằm hỗ trợ, khuyến khích các đại lý. Ngay cả tổng sản lượng bia của nhà máy báo cáo trong tổng kết cuối năm cũng được kê khống lên?
Thực hư câu chuyện ra sao, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh.