Văn hóa & Pháp luật

Hà Nội nỗ lực phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hệ thống di sản văn hóa phong phú là những tài sản vô giá để Hà Nội phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tài nguyên du lịch.
 Không gian bích họa Phùng Hưng.
Không gian bích họa Phùng Hưng.

Sáng tạo để lan tỏa văn hóa đất Kinh kỳ

Ngày 17/6/1999, Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng. Sau 20 năm, ngày 30/10/2019, thành phố Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa cho nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với 5.922 di tích lịch sử văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống di sản văn hóa phong phú là những tài sản vô giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tài nguyên du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, thành phố sáng tạo đến bạn bè quốc tế.

Nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công thu hút đông đảo khách quốc tế đã khẳng định thương hiệu và vị thế của Thủ đô, như: Lễ hội âm nhạc Gió mùa, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”…

Trước khi Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội đã và tiếp tục triển khai nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Điển hình như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng; dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam; Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội… Những không gian văn hóa này đang tiếp tục đi tìm sức sống, sức sáng tạo mới cho cộng đồng.

Hà Nội còn là nơi hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống của cả nước với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Mạng lưới làng nghề thủ công rộng khắp cùng hàng trăm nghệ nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng cùng cộng đồng thợ giỏi và rất nhiều nhà sáng tạo trẻ đã đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội, nơi tôn vinh văn hóa Việt, đưa các sản phẩm thủ công truyền thống ra thị trường quốc tế.

Đầu tư nguồn lực cho di tích lịch sử văn hóa

Tại “Hội thảo Văn hóa 2022” diễn ra ngày 17/12/2022, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, với những thay đổi tích cực về chính sách, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Thủ đô đã từng bước có sự chuyển động tích cực. Hà Nội luôn ở trong danh sách bình chọn của Tổ chức du lịch thế giới cho các điểm đến hàng đầu của châu Á và thế giới. Giai đoạn 2015 - 2020 cơ cấu kinh tế của thành phố đang chuyển dịch theo hướng gia tăng nhanh ngành dịch vụ từ 57,2%/năm lên tới 64,1%. GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. Hà Nội ngày càng trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, trở thành một trong những thành phố năng động nhất trên thế giới (năm 2019) theo chỉ số tăng trưởng thành phố (CMI) do Jones Lang LaSalle thực hiện.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã định hướng nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, trong đó nhấn mạnh nội dung “Triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Đây là cơ sở quan trọng để Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ.

Đây cũng được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô, thu hẹp dần khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phấn đấu có mức đóng góp 5% GRDP của thành phố; đến năm 2030 đóng góp khoảng 8% và năm 2045 là khoảng 10% GRDP của thành phố.

Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và cũng là thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tháng 4/2022, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và những năm tiếp theo với hơn 14.000 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa - nguồn lực vô cùng quan trọng cho phát triển du lịch văn hóa, xây dựng “thành phố sáng tạo”. Đây là một quyết định mạnh mẽ, quyết liệt, chưa từng có để biến công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.