Đáng nói, trong số này 95% lượng rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp – phương pháp tốn kém và gây ô nhiễm môi trường nhất. Trong khi đó, hoạt động tái chế, tái sử dụng các nguồn phế thải là một trong những giải pháp quan trọng để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường lại gần như không phát huy được hiệu quả.
“Tài nguyên rác” đang bị lãng phí
Liên quan đến câu chuyện tái chế rác thải, mới đây, UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt đề xuất dự án Nhà máy Xử lý chất thải công nghệ cao tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Theo đề xuất được duyệt, nhà máy xử lý rác này sẽ có công suất 4.000 tấn/ngày, phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 công suất 2.000 tấn/ngày, giai đoạn 2 tăng công suất thêm 2.000 tấn/ngày.
Chất thải đầu vào là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải không nguy hại khác phù hợp với công nghệ được lựa chọn. Dự kiến, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 7.200 - 9.000 tỷ đồng. Thông tin này cho thấy rằng, Hà Nội đã và đang chú trọng đến khâu đầu tư công nghệ trong lĩnh vực vệ sinh môi trường.
Thực tế, vấn đề xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường ở Thủ đô đang trở nên khá nhức nhối. Minh chứng là, với số lượng 5.400 tấn chất thải phát sinh mỗi ngày đêm, mỗi năm Hà Nội phải chi khoảng 3.000 tỷ cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Trong khi đó, tại 18 huyện vẫn còn khoảng 304 điểm rác tồn đọng, với tổng lượng rác thải lưu cữu ước 65.000 tấn. Thêm nữa, nhiều địa phương tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường làng, ngõ xóm, ao hồ vẫn diễn ra hằng ngày.
Nhiều số liệu khác cũng cho thấy, tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vào các khu xử lý tập trung chỉ đạt gần 3.900 tấn/ngày, tương đương 72% số rác thải ra. Nghĩa là, việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt mới thực hiện ở các thị trấn và một số xã lân cận Hà Nội, những địa phương xa trung tâm phần lớn rác thải thu gom không được đưa về xử lý ở bãi tập trung.
Trong khi rác thải sinh ngày một gia tăng thì hoạt động thu gom, xử lý và tái chế vẫn chưa có hướng đi khả quan. Phần lớn rác thu gom hiện được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Đáng chú ý, hiện lượng rác thải chôn lấp tại các địa phương ngoại thành thường nằm rải rác gần các khu dân cư.
Nguy hại hơn, những khu vực chôn lấp này thường gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh khiến dư luận bức xúc. Bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), khu liên hợp xử lý chất thải chính của Hà Nội cũng không ngoại lệ. Việc thu gom, xử lý nước rỉ rác, khí thải quanh bãi chôn lấp nơi đây không ít lần khiến Ban quản lý phải đau đầu, tìm hướng giải quyết.
Biến rác thành nguồn nguyên liệu có ích
Khách quan nhìn nhận, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (50-70%) thì đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó việc tái chế còn giúp thu hồi các loại nguyên liệu như: nhựa, giấy, kim loại… tránh lãng phí tài nguyên, ngăn ngừa được sự ô nhiễm.
Tiềm năng từ rác thải mang lại đã khá rõ ràng, song việc khai thác hiệu quả nguồn lợi này lại gần như bị bỏ ngỏ. Liên quan đến vấn đề này, trả lời trước báo chí cách đây ít lâu TS. Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là chưa áp dụng được phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm hướng tới giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp.
Bên cạnh đó, đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại chưa tương xứng. Nhiều công trình xử lý chất thải rắn đã được xây dựng và vận hành nhưng cơ sở vật chất, năng lực và hiệu suất xử lý không đạt yêu cầu.
Chương trình xử lý chất thải rắn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2020 phải đảm bảo 70% lượng rác thải nông thôn, 80% rác thải sinh hoạt, 90% rác thải công nghiệp không nguy hại và 100% rác thải nguy hại phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Đặc biệt, đề án cũng xác định vào năm 2020, 95% rác phải được tái chế, tái sử dụng. Đây là chủ trương rất hợp lý của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay, thể hiện ý chí, sự quyết tâm của Nhà nước trong công tác xử lý, tái chế rác thải.
Trở lại câu chuyện xử lý, tái chế rác thải trên địa bàn Hà Nội, được biết chính quyền đang có chủ trương giao các huyện áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý rác tại chỗ. Chủ trương này bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định. Chẳng hạn, ở huyện Thanh Oai, UBND thành phố đã giao Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long (Cty Nam Thăng Long) thí điểm đầu tư công trình xử lý rác thải nông thôn với công suất 100-120 tấn/ngày.
Tại đây, thay vì đưa thẳng đến các khu xử lý tập trung của thành phố, rác sẽ được đưa về trạm trung chuyển để phân loại trên máy sàng tự động. Nhờ dây chuyền tự động nên giảm được số công nhân phải phân loại rác thải bằng tay. Qua băng sàng, rác sẽ được phân ra thành các nhóm: Hữu cơ (rau, củ, quả…); các chất thải nguy hại (bóng đèn, pin, ắc quy…); các chất trơ (chai lọ thủy tinh, mảnh sành sứ, xỉ than…).
Sau khi phân loại, các nhóm rác này sẽ được đưa đi đốt, làm vật liệu san lấp hoặc tái chế. Đáng nói, sau khi khu xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn khép kín ở Thanh Oai được đưa vào vận hành, năng lực thu gom rác của huyện tăng từ 65% lên 95% nên gần như không còn rác phát sinh tồn đọng như thời gian trước.
Cách đây không lâu, trong buổi tiếp bà Elisabeth Nilsson, Trưởng vùng Ostergotland cùng các doanh nghiệp Thụy Điển, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc áp dụng công nghệ hiện đại của Châu Âu để cải thiện môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2019 sẽ có nhà máy đốt rác chuyển thành năng lượng. Hiện đã có 3 khu vực trên địa bàn thành phố được quy hoạch nhà máy xử lý rác.
Đồng thời, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở, ngành liên quan tích cực làm việc, triển khai nhanh chóng, hiệu quả việc hợp tác với doanh nghiệp Thụy Điển - quốc gia mà 99% rác thải được xử lý thành năng lượng phục vụ đời sống nhân dân.