Ông L.M.D, có địa chỉ tại Long Biên, Hà Nội đã nhắn tin quảng cáo dịch vụ bất động sản đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP.
Trước đó, ngày 26/10, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Transcosmos Việt Nam với hành vi gọi điện thoại quảng cáo dịch vụ bảo hiểm đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, từ nguồn tin của người dân trên địa bàn TP, Sở đã vào cuộc rà soát, xử lý một số đối tượng thực hiện cuộc gọi rác và gửi tin nhắn rác như trên. Trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo qua mạng viễn thông theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo qua mạng viễn thông trên địa bàn TP.
Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1/10/2020, thay thế cho Nghị định 90/2008/NĐ-CP, Nghị định số 77/2012/NĐ-CP.
Nội dung Nghị định số 91/2020/NĐ-CP có nhiều thay đổi, quy định nhiều biện pháp bảo vệ người sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, tránh bị gây phiền hà bởi tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác. Trong đó, lần đầu tiên có quy định pháp luật về “cuộc gọi rác”, đây là vấn đề gây nhiều phiền hà, bức xúc cho người sử dụng dịch vụ viễn thông trong thời gian qua.
Theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, người sử dụng dịch vụ viễn thông có quyền được quyết định việc nhận hoặc không nhận tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ.
Ngay sau khi Nghị định số 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ) và Công an TP Hà Nội triển khai thực hiện Nghị định này, đạt được một số kết quả nêu trên.